Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăm nỗi lo cho bóng đá Việt thời Covid

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác đang phải nghĩ cách đối phó với dịch Covid-19 trong lần bùng phát thứ hai năm nay. Nhất là khi Ban xử lý các tình huống khẩn cấp của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đề xuất dời giải đấu lớn nhất khu vực sang tháng 4/2021 thay vì 11/2020.

Đây mới là đề xuất trong cuộc họp trực tuyến cùng các thành viên AFF, vẫn phải còn tính toán, cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Trước sự bùng phát trở lại của dịch dịch Covid-19 thì việc tổ chức giải trong năm nay là điều dường như bất khả kháng. Nhưng AFF Cup cũng chỉ được xem là “giải làng” khó chen chân, cạnh tranh để kiếm khán giả vào các sự kiện thể thao lớn như Olympic Tokyo 2021. Ngay cả việc SEA Games 31 tổ chức vào cuối năm hay không vẫn đang bỏ ngõ, và như thế se rất bị động?

Nếu việc AFF Cup được di dời sang năm sau có lẽ bóng đá Thái Lan sẽ thở phào nhẹ nhõm hơn cả, bởi Thai-League và phần lớn các giải khu vực Đông Nam Á đang “ngủ đông”, trong khi V.League đã đi được 11 vòng đấu. Bóng đá Thái theo kế hoạch phải đến tháng 9 mới bắt đầu trở lại. Còn đội tuyển Malaysia cũng có thêm thời gian để lắp ráp thêm với cả nửa đội hình vừa nhập tịch thành công và trở thành ứng cử viên đe dọa ngôi vương của Việt Nam.

 Đã đến lúc các thành viên của “ngôi nhà bóng đá” cần có sự đoàn kết và chia sẻ những khó khăn, thuận lợi với nhau để bóng đá vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh TPHCM FC

Trong khi đó, ngoài 4 đội có “nguy cơ” đang nằm nhóm cuối bảng xếp hàng xin dừng giải đấu V.League thì mới đây cả Bình Dương lẫn Cần Thơ lại phản ứng với việc phải ra Hà Nội đá Cúp quốc gia. Trong khi đó Quảng Ninh đã phải lùi lịch thi đấu tại Cúp quốc gia do phải cách ly toàn đội sau trận gặp Đà Nẵng ở vòng 10.

Các đội bóng đã chất vấn VPF: Tại sao V-League và giải hạng Nhất thì hoãn mà Cúp Quốc gia lại đôn lên đá sớm. Chẳng lẽ V-League và hạng Nhất thì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì dịch đang trở lại, còn Cúp Quốc gia thì miễn dịch với Covid-19? Nếu tình hình dịch kéo dài thì các "đội bóng con nhà nghèo" sẽ phải đối diện với nguy cơ "thiếu ăn" vì cạn kinh phí.

Hiện thì cả Bình Dương lẫn Cần Thơ đều chưa có kế hoạch bay ra Hà Nội thi đấu và họ đang vin vào các chỉ thị phòng chống Covid của địa phương để từ chối thi đấu. Rõ ràng VPF khó có thể dùng các biện pháp kỷ luật hành chính thông thường vào lúc này bởi các đội đều có lý do chính đáng để đưa ra quyết định. Nhất là khi rạng sáng ngày 31/7 Đà Nẵng đã công bố thêm 45 trường hợp nhiễm bệnh thì mọi việc đang có diễn biến hết sức phức tạp. Hiện tại nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai văn bản cấm các hoạt động giải trí, trong đó có thể thao.

Đã đến lúc VFF, VPF phải cập nhật thường xuyên tình hình dịch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh để có những quyết định nhanh chóng, chính xác. Đã đến lúc các thành viên của “ngôi nhà bóng đá” cần có sự đoàn kết và chia sẻ những khó khăn, thuận lợi với nhau để bóng đá vượt qua giai đoạn khó khăn.