Trận đấu khác của làng bóng đá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa giải V.League 2015 đã hạ màn. Giờ là thời điểm người ta nhìn lại những gì đã xảy ra hòng có hướng để khắc phục và đưa cuộc chơi tiến lên phía trước.

Nhưng, bên cạnh ý nghĩa phản biện, người ta không khó để nhận ra những cú chuyền sửa lưng đồng đội hòng ghi bàn thắng trước dư luận hoặc nhắm tới một dụng ý khác rất sâu xa. Người ta bảo, đó là trận đấu khác của làng bóng đá.

VPF bị phản công?

Chỉ một ngày sau khi mùa giải khép lại, cái tên VPF - đơn vị tổ chức giải V.League đã trở thành đề tài được bàn tán một cách rôm rả. Người ta viết rất nhiều điều về công ty này. Từ chuyện VPF đang chịu sự chi phối từ cổ đông lớn nhất - VFF, đến khoản lương cao, bổng lắm của các ông Phó Tổng Giám đốc. Dư luận thì sôi lên, người hiểu chuyện thì cười nụ.
B.Bình Dương nhận cúp vô địch V.League 2015.
B.Bình Dương nhận cúp vô địch V.League 2015.
Có người hỏi, tại sao chuyện trong nhà của VPF lại được tung hê lên mặt báo? Người ta lại hỏi, tại sao những người bị “đánh” là các ông phó chứ không phải người khác? Người ta lại hỏi, tại sao không đặt vấn đề là giải đấu được tổ chức ra sao mà quan tâm đến chuyện ai ngồi ghế tổ chức.

Nhắc đến những chuyện cắc cớ trên để thấy, bóng đá vốn rất phức tạp. Ở thượng tầng của giải đấu, những chuyện cấn cá, đua tranh còn phức tạp hơn. Nói đâu xa, cứ hết giải là người ta lại phải ngồi với nhau để tổng kết đánh giá. Ai làm được việc thì tín nhiệm. Kẻ yếu chuyên môn, không hiệu quả thì tính đường chọn bến đỗ mới. VPF cũng vậy. Sắp tới, họ phải Đại hội cổ đông, có thể sẽ có những biến động về thượng tầng. Bởi, theo Nghị quyết của HĐQT, hết tháng này, Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn sẽ về hưu. Phải chăng vì thế mà 2 vị phó của ông Viễn bị chỉ trích? Cũng chẳng ngạc nhiên nếu ở phút bù giờ, vì rất nhiều lý do, ông Viễn sẽ ở lại ngồi ghế cao.

Bóng đá là… sân khấu

Bầu Kiên từng nói một câu: “Bóng đá là sân khấu bốn mặt. Ai diễn mọi người đều biết”. Trong sân khấu lớn đó, có rất nhiều diễn viên. Họ diễn nhằm những mục đích riêng. Nhưng, người ta lại quan tâm, ai mới chính là đạo diễn trong cái sân khấu lớn ấy? Bởi, đó mới chính là vấn đề cốt lõi của nền bóng đá. Nếu đạo diễn muốn có một vở kịch tốt thì mọi sự sẽ khác. Còn ngược lại, họ sử dụng các diễn viên xuất sắc hòng đả kích một ai đó thì quả là nguy hiểm.

Bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Niềm tin của người hâm mộ vẫn chưa hoàn toàn bình phục sau những mất mát từ tiêu cực, từ thất bại ở cấp vĩ mô. Vậy nên, trách nhiệm của những người làm bóng đá là gây dựng lại niềm tin nơi người hâm mộ. Họ phải cùng nhau đoàn kết, xây dựng định hướng phát triển cho nền bóng đá. Lúc này, cái riêng cần gạt sang một bên để vì cái chung. Những mối dây liên hệ chằng chịt, những lợi ích nhóm, bè cánh cần phải được xóa bỏ để nhắm đến mục đích cuối cùng là xác định giá trị cốt lõi cho nền bóng đá.

Sẽ chẳng có một nền bóng đá phát triển nếu người ta thay vì cống hiến mà chỉ chú tâm đến việc bôi nhọ, tìm cớ hạ gục nhau. Sẽ chẳng có một Ban tổ chức giải mạnh, dám quyết những vấn đề lớn nếu các thành viên trong đó không nhìn cùng một hướng và dành tối đa thời gian, trí tuệ để đấu đá nhau nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Nói tóm lại, bóng đá Việt Nam sẽ rất mạnh nếu người trong cuộc chú tâm vào làm việc, đấu tranh vì cái chung chứ không phải là nhằm thỏa mãn sự đố kỵ và toan tính của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần