Trận đấu nơi hậu trường?

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam đang đối diện với rất nhiều sự cố. Hầu như vòng đấu nào cũng có những sự cố lớn nhỏ khác nhau.

Đáng nói nhất chính là việc những động thái nhằm xử lý sự cố bao giờ cũng phải hứng chịu chỉ trích từ một bộ phận vốn có thói quen chỉ trích bấy lâu nay.
Khi sự cố liên quan đến các cầu thủ Long An xảy ra, đồng loạt giới truyền thông kêu gọi, thậm chí gây áp lực với VFF phải xử lý nghiêm vụ việc. Có người còn đặt ra vấn đề, xử lý đội bóng liên quan đến bầu Thắng, một quan chức to ở VPF cho thấy bản lĩnh của Ban tổ chức giải và VFF. Người ta đặt ra vấn đề này vì nghi ngờ rằng VFF không dám trảm đội bóng của một ông bầu quyền lực. Hoặc giả, không ít người tin rằng, bầu Thắng sẽ có những đội thái nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhưng rồi, những bản án rất nặng với những cá nhân liên quan đã được đưa ra. Nhiều người cho rằng đó là hành động cần thiết nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của luật chơi. Nhưng cũng ngay sau đó, những lời thương vay đã xuất hiện. Họ cho rằng án phạt quá dài khác gì chặn đường sống của cầu thủ. Không thể vì sự bồng bột trong chốc lát mà ra đòn quá nặng. Rồi, cầu thủ chỉ là nạn nhân, họ chịu tác động từ lãnh đạo đội bóng nên cần phải có một án phạt hợp lý. Có người còn viện dẫn rằng, trọng tài đã sai nên cầu thủ mới phản ứng tiêu cực. Mà vì trọng tài sai nên không thể xử nặng cầu thủ.
Bênh vực tích cực cái sai của cầu thủ, người ta quên mất rằng, một cầu thủ bị phạt khi anh ta có lỗi. Mà khi có lỗi thì không có ngoại lệ dù anh mang hoàn cảnh éo le hay chịu sự kích động của ai đó. Việc giảm án hay không là câu chuyện của tương lai khi bản thân cầu thủ còn khát vọng và thực sự hối cải. Thế nhưng, đâu đó người ta không quá khó để nhận ra, những nhân vật vốn lâu nay muốn thay đổi VFF, hoặc có mối hiềm khích từ lâu với lãnh đạo tổ chức này đã rất biết cách chớp thời cơ thực hiện tính toán cá nhân của mình. Họ đòi xử Ban Trọng tài dù đã có kết luận rằng trọng tài không sai trong tình huống thổi phạt 11m cầu thủ Long An. Mà ngay cả khi trọng tài sai thì cũng không thể ủng hộ việc phản ứng tiêu cực của cầu thủ như đã xảy ra.
Suốt thời gian qua, VFF luôn chịu nhiều sóng gió. Họ bị dồn vào thế: Xử cũng chết, không xử càng chết. Bất cứ quyết định nào họ cũng bị đặt dấu hỏi to tướng và chịu sự chỉ trích từ những nhân vật vốn lâu nay có hiềm khích với mình. Nói cách khác, người ta luôn biết cách mượn cớ từ những sự cố trong hoạt động bóng đá để chĩa mũi dùi vào tổ chức này.
Trở lại với án phạt dành cho một số cầu thủ Long An. Trong khi ban lãnh đạo của đội bóng này nhận sai hoàn toàn, gửi lời xin lỗi đến VFF, Ban tổ chức giải và dư luận thì nhiều người đang cố gắng đổ lỗi lên cơ quan quản lý bóng đá. Đặc biệt, khi một số ý kiến khẳng định án phạt quá nặng thì ban lãnh đạo đội Long An lại cho rằng án quá nhẹ. Họ muốn cấm thi đấu cầu thủ vĩnh viễn nhằm làm gương cho người khác. Chưa hết, họ lập tức trảm chủ tịch, giám đốc kỹ thuật, HLV trưởng vì để xảy ra sự cố và không hề đề cập đến việc mình bị oan hay án phạt quá nặng.
Một điều đáng nói nữa là các đội bóng tỏ ra tán đồng với án phạt và ngay lập tức tổ chức họp để quán triệt cầu thủ không được phản ứng tiêu cực. Trong khi đó, những người có liên quan ít, thậm chí là không liên quan lại cho rằng, “án phạt thế thì giết cầu thủ”. Bóng đá Việt Nam vẫn còn quá nhiều yếu tố nghiệp dư. Còn nhiều vật cản trên con đường lên chuyên nghiệp. Nhưng, vật cản lớn nhất trong nỗ lực lập lại trật tự cho giải đấu chính là việc, nền bóng đá luôn phải chứng kiến những trận đấu nơi hậu trường. Và, nhiều cầu thủ, đội bóng đang là nạn nhân của những trận đấu đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần