Trần lãi suất kỳ hạn ngắn giảm còn 6%/năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, từ hôm nay (17/3), trần lãi suất VND kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ giảm từ 7% xuống còn 6%/năm, lãi suất huy động USD cũng giảm còn 1%.

Lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 9% xuống còn 8%, riêng cho vay lĩnh vực nông nghiệp sẽ được áp dụng mức lãi suất 7%.

Lãi suất huy động giảm sâu

Người đứng đầu NHNN cũng thông tin thêm, hạ trần lãi suất huy động ngoại tệ sẽ giảm dần tình trạng tích lũy ngoại tệ, khuyến khích các giao dịch tiền gửi bằng tiền đồng. Động thái này cũng tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn tín dụng; kích thích các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc hạ lãi suất diễn ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng thừa vốn không cho vay được đang mạnh tay mua trái phiếu Chính phủ. Thời gian qua, NHNN có động thái rút tiền về bằng tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng giảm.

 
Khách hàng giao dịch tại PVcomBank. Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại PVcomBank. Ảnh: Trần Việt
Đây là đợt điều chỉnh lãi suất đầu tiên trong năm 2014. Lần thay đổi gần nhất là vào ngày 28/6/2013, NHNN quyết định đưa mức trần lãi suất tiết kiệm VND giảm về 7%/năm, USD là 1,25%/năm. Tuần trước, một đợt cắt giảm lãi suất nữa đã được các ngân hàng mạnh tay thực hiện. Lãi suất kỳ hạn ngắn đã được nhiều ngân hàng giảm về mức 5%/năm. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 5%/năm. Tại BIDV, khoản tiền gửi cùng kỳ hạn này tại các chi nhánh ở Hà Nội cũng chỉ còn được hưởng lãi suất 5,8%.

Dù lãi suất giảm mạnh nhưng tiền gửi tiết kiệm vẫn được dự báo sẽ hút khách. Bất động sản chưa phục hồi, tỷ giá ổn định, thị trường vàng không có nhiều biến động… sẽ là những nguyên nhân khiến kênh tiết kiệm vẫn còn nhiều sức hút.

Lãi suất cho vay có dễ đi xuống?

Việc giảm trần lãi suất huy động cũng sẽ tạo thêm cơ hội để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh sức cầu vẫn yếu, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm như hiện nay thì việc đẩy vốn ra nền kinh tế vẫn rất khó. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nữa hay không còn tùy thuộc vào chính sách lãi suất cũng như cân đối vốn ra vào của từng ngân hàng.

Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là trở ngại lớn trong việc giảm lãi suất cho vay. Theo TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Fullbright, các ngân hàng hiện đang chịu áp lực có lợi nhuận không phải là để trả cổ tức, mà là trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. "Nếu xử lý rốt ráo và triệt để vấn đề nợ xấu, cũng như các tổ chức tín dụng cơ cấu lại hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng giảm lãi suất cho vay sẽ khả quan hơn" - ông Thành nhấn mạnh.

Từ ngày 1/6/2014, Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về trích lập dự phòng rủi ro sẽ được áp dụng. Dù có một số sửa đổi để phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, nhưng khi một số chuẩn mực mới được áp dụng, nợ xấu chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Nợ xấu tăng lên đồng nghĩa với việc chi phí hoạt động của ngân hàng tăng, áp lực duy trì lợi nhuận cao để bù đắp chi phí dự phòng rủi ro cũng sẽ gia tăng và hệ quả là "cửa" hạ tiếp lãi suất cho vay càng hẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần