Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan chất thải cồng kềnh

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số lượng rác thải kích thước lớn có xu hướng ngày càng tăng tại các TP lớn, gây áp lực lên môi trường và cảnh quan đô thị. Trong khi đó, việc xử lý loại rác này còn thiếu chế tài cụ thể.

Rác thải vứt trên vỉa hè đường bờ sông Sét (quận Hoàng Mai). Ảnh: Hà Ánh
Khó khăn trong xử lý
Nếu như trước đây, những đồ dùng sinh hoạt được người dân cố gắng tận dụng thì nay cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng đồ dùng đẹp cũng cao hơn. Vì vậy, lượng rác thải cồng kềnh phát sinh từ việc các hộ gia đình thay thế đồ dùng sinh hoạt hỏng, cũ, lỗi mốt tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Đáng nói hơn, do ngại vận chuyển đến điểm chân rác, nhiều chiếc bàn, ghế, sofa đệm mút… vẫn bị bỏ ngay trên vỉa hè tại nhiều tuyến phố của Thủ đô.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đường bờ sông Sét (quận Hoàng Mai), vỉa hè phố Vũ Tông Phan (bờ sông Tô Lịch)… rác thải cồng kềnh xuất hiện từng đống lớn, nhỏ. Thậm chí ngay tại khu vực này, những vật dụng như giường, tủ, ban thờ… được đốt dở dang còn bị đem vứt xuống sông, hồ. Đây cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, hồ và tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn. Hay tại đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (đoạn chạy qua địa phận xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì), tình trạng phế thải xây dựng, rác thải có kích thước lớn đổ tràn ra lề đường, không được xử lý dứt điểm, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thực tế, việc thu gom, xử lý rác thải cồng kềnh là bài toán khó giải tại các đô thị lớn hiện nay. Bên cạnh một bộ phận người dân còn chưa có ý thức thì đa phần chính họ lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý số rác thải cồng kềnh của gia đình. Anh Nguyễn Thế Vinh, ngõ 88/1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Những đồ kích cỡ lớn như sofa, giường, tủ cũ mỗi lần thay mới vận chuyển đi vứt rất khổ. Nhà tôi trong ngõ nhỏ, rất khó di chuyển ra ngoài. Nhân viên vệ sinh không thu gom tôi phải đập, bẻ gẫy rồi mới chuyển được”.

Không dễ tháo rời và chia nhỏ như đồ dùng bằng gỗ, gia đình chị Đào Thị Phượng ở chung cư số 349 Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) muốn bỏ đi chiếc đệm sau nhiều năm sử dụng thay đệm mới. Khi gọi tới đường dây nóng xử lý rác cồng kềnh của Công ty Môi trường Hà Nội, chị chỉ nhận được cuộc hẹn trong tuần. Để xử lý nhanh gọn, không mất thời gian chị Phượng lại sử dụng dịch vụ tự phát của xe thương binh với giá từ 200.000 - 500.000 đồng và cũng không biết họ sẽ vận chuyển đi đâu. Theo một nhân viên vệ sinh môi trường tại khu vực quận Hoàng Mai, chỉ khi người dân có số lượng lớn rác quá khổ cần xử lý, công ty môi trường mới nhận thu gom. Tuy nhiên, quy trình xử lý những món rác lớn này đang là nỗi vất vả, khó khăn cho người dân và cả những người thu gom, xử lý rác.

Tăng cường giám sát của người dân

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, các đơn vị thành viên của công ty tại một số quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… sẽ thực hiện việc thu gom, xử lý rác cồng kềnh nếu nhận được thông báo của người dân có nhu cầu. Sau đó, vận chuyển về các điểm trung chuyển để chia nhỏ và xử lý như rác thải sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, số lượng cuộc gọi yêu cầu rất ít và chủ yếu tập trung vào cuối năm.

Đối với rác thải cồng kềnh phát sinh tự phát ở ngoài đường, nhân viên môi trường buộc phải thực hiện việc thu gom, xử lý chung với rác sinh hoạt nhưng làm phát sinh về nhân công, trang thiết bị và chi phí. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội mới chỉ có quy định riêng đối với chất thải xây dựng, y tế… mà chưa có quy định cụ thể cũng như đơn giá về xử lý loại rác thải sinh hoạt cồng kềnh này. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa nghiêm và thường xuyên.

Để khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, một số quận, huyện đã đưa ra những giải pháp riêng như chọn vị trí cố định tập kết những loại rác thải cồng kềnh, quy định rõ ngày giờ hay đẩy mạnh tuyên truyền tại các khu dân cư, tổ dân phố… Đơn cử, tại quận Đống Đa, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội Chi nhánh Đống Đa (Urenco 4) vẫn duy trì tổ chức thu gom chất thải rắn cồng kềnh vào sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại một số địa điểm quy định. Bà Lô Thị Tâm – Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7 phường Láng Hạ (quận Đống Đa) chia sẻ: "Chúng tôi nhắc nhở, quán triệt người dân khi có đồ dùng thải loại có kích thước lớn mang đến địa điểm tại trường Tiểu học Nam Thành Công vào ngày cuối tuần để công ty môi trường đến thu gom. Nếu rác thải cồng kềnh phát sinh trong tuần thì phải tạm để trong nhà, không được vứt ra đường hay hè phố.

Để giải quyết bài toán thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, theo PGS.TS Bùi Thị An, trước tiên cần phải được phân loại để xử lý cho phù hợp. Tiếp đó, các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm những quy định liên quan, nhanh chóng ban hành đơn giá thu gom, làm căn cứ để các địa phương thực hiện. Ở rất nhiều nước trên thế giới, việc thu phí vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh đã được áp dụng từ lâu và chúng ta cần học hỏi. "Hơn nữa cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân bỏ chất thải rắn cồng kềnh đúng nơi, đúng thời gian quy định, nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác. Về phía chính quyền các quận, huyện nên sớm bố trí các điểm tập kết ngay gần các khu dân cư để người dân dễ dàng tiếp cận; lắp camera ở những điểm phù hợp để theo dõi, đồng thời tăng cường sự giám sát của người dân xung quanh và có chế tài đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm" - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Tại Hàn Quốc, để xử lý các vật dụng lớn như giường, tủ, đệm, sofa, bảng, biển, bình nóng lạnh, tủ lạnh… người dân phải trả phí từ 2.000 - 15.000 won (tương đương 40.000 - 300.000 đồng) cho mỗi món đồ, tùy vào kích thước lớn nhỏ và độ phức tạp khi xử lý.