Thẻ tín dụng chỉ được miễn lãi suất trong 45 ngày nếu dùng thanh toán trực tiếp khi mua sản phẩm, còn nếu rút tiền mặt tại ATM, chủ thẻ mất phí 3 - 4%/lần rút tiền, chịu lãi suất 2 - 3%/tháng và chỉ rút được 50% hạn mức tín dụng. Máy POS được cài đặt và sử dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ (như cửa hàng, công ty, tiệm vàng…) chỉ có thể sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho chủ thẻ chứ không được rút tiền mặt. Nhưng thực tế, dù không đúng quy định pháp luật, song các dịch vụ này lại đang phát triển nở rộ.
Gõ cụm từ “rút tiền thẻ tín dụng”, trong vòng 0,46 giây, công cụ tìm kiếm google đã cho ra khoảng 2.710.000 kết quả, trong đó rất nhiều các trang chào mời dịch vụ “rút tiền thuê”, tư vấn trực tuyến… với những lời quảng cáo như: “Dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, đáo hạn thẻ tín dụng”; “Rút 100% hạn mức, chỉ từ 1,1%”; “Rút tiền thẻ tín dụng, đáo hạn thẻ từ 1,3%”…
Việc rút tiền qua thẻ tín dụng đang đi ngược lại với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Cần thiết phải có công cụ quản lý chặt chẽ và phối hợp với cơ quan liên quan như cơ quan thuế để kiểm soát hoạt động thanh toán qua thẻ. Các cơ quan quản lý cần phải quyết liệt, nhất là khi các hình thức thanh toán như quét mã QR, trên di động, thanh toán xuyên biên giới… bùng nổ khiến tình trạng chuyển tiền lậu dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Luật sư Trương Thanh Đức |
Vào trang dịch vụ ruttien24h.com, gọi tới số điện thoại 097975xxx, phóng viên được nhân viên tư vấn nhiệt tình: “Thông qua hình thức mua hàng “khống”, khách có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày, tiết kiệm được lãi suất khoảng 2,5 - 3%/ tháng”.
Không chỉ các trang mạng, facebook, hoạt động công khai, rất nhiều tiệm vàng sẵn sàng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng, ngay cả các cửa hàng mua sắm, ăn uống khác cũng vậy. “Muốn rút tiền mặt chị phải mua vàng có giá trị tương ứng (2 triệu đồng – PV) và chịu mức phí là 3%. Chúng tôi sẽ đưa cho chị tiền và chứng từ thanh toán hàng hóa, đồng thời chịu mức phí thanh toàn 60.000 đồng” - nhân viên tiệm vàng N.L trên phố Cầu Gỗ nói khi khách hàng ngỏ ý rút 2 triệu đồng bằng thẻ tín dụng.
So sánh với mức phí quy định cho hoạt động thanh toán qua POS mà phần đông các ngân hàng đang áp dụng hiện nay thì với mỗi 1 triệu đồng “rút thuê”, các dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ 5.000 - 10.000 đồng. Ngoài rút tiền, có nơi còn có dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, tức là khách sẽ được phía dịch vụ cung ứng tiền để trả nợ cho ngân hàng khi tới hạn trả nợ thẻ tín dụng. Hiện mức phí đáo hạn khoảng 2% tùy nơi.
Làm méo mó thị trường tài chínhHiện nhiều điểm giao dịch POS liên kết với rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam như Sacombank, Techcombank, TPBank, VIB Bank, HSBC, Citibank, Standard Chartered, Shinhan Bank. Đã nhiều lần, NHNN ban hành văn bản chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống, song thực tế, tình trạng này không giảm. Cán bộ phụ trách tín dụng một ngân hàng cho biết, các ngân hàng đều biết thực trạng trên nhưng đành bất lực, không dẹp được do các điểm chấp nhận thanh toán vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, hóa đơn, doanh số bán hàng.
Tuy vậy, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, các ngân hàng thương mại biết nhưng không quyết liệt dẹp bỏ. Bởi thực tế các ngân hàng thương mại đều có nghiệp vụ chọn lọc, giám sát, quy định để đảm bảo an toàn tín dụng, nhưng đã không áp dụng để quản lý thực trạng này. Để chạy đua doanh số, nhiều phòng tín dụng ngân hàng “im lặng” trước những hiện tượng lách lãi suất, “cố lờ” cho qua do cả 3 bên (ngân hàng, điểm chấp nhận thẻ và chủ thẻ) đều có lợi. Nếu ngân hàng không quyết liệt, sẽ làm méo mó thị trường tài chính, tạo nên nợ xấu, khi công nợ vượt quá khả năng trả nợ của chủ thẻ.
Ngoài ra, việc dùng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống tiềm ẩn nhiều hệ lụy và rủi ro. Đơn vị chấp nhận thẻ vẫn xuất hóa đơn, nhưng trên thực tế không mua bán hàng hóa thực sự, cho thấy có sự gian lận trong giao dịch. Với khách hàng, nguy cơ bị đánh cắp thông tin thẻ vì các điểm mua sắm không ưu tiên bảo mật.