Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tràn lan hàng giả núp bóng hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, nhái nhãn hiệu quốc tế và giả mạo xuất xứ hàng "Made in Vietnam". Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao, cùng với tâm lý ham hàng "xịn" giá rẻ của không ít người tiêu dùng nên tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn rất nóng.

Đoàn kiểm tra liên ngành Chi cục Quản lý thị trường thu giữ một lượng lớn mỹ phẩm giả tại phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng.
Đội mác "Made in Vietnam" để lừa đảo khách hàng

Ngày 30/7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra Công ty CP Thiết bị điện 368 (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) phát hiện 493 chiếc máy bơm nước, 3.500 bóng chíp điện tử do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác "Made in Vietnam". Ngoài ra, DN này đang tàng trữ 43kg nhãn mác "Made in Vietnam". Đại diện DN khai nhận, sau khi nhập máy bơm Trung Quốc vào Việt Nam đã bóc tem, nhãn cũ để dán nhãn "Made in Vietnam" trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Trước đó vào tháng 6/2019, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh khi kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6 đã phát hiện 10.000 sản phẩm gia dụng, 2.000 vỏ micro, 600 bộ tách trà không hóa đơn chứng từ song trên sản phẩm lại in "Hàng Việt Nam".
Trong quá trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều DN Việt Nam thậm chí cả DN FDI nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng, bộ phận tháo rời để lắp ráp sản phẩm hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp những công đoạn đơn giản nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước hay xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Nguyễn Công San cho biết, lo ngại những mặt hàng kém chất lượng từ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng trong nước đã quay trở lại sử dụng hàng Việt. Lợi dụng xu thế này, không ít cá nhân, DN đã nhập nhiều mặt hàng từ Trung Quốc sau đó gắn mác "Made in Vietnam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam". Thậm chí, có DN còn đặt luôn nhà sản xuất ghi sẵn xuất xứ "Made in Vietnam" hoặc "Sản xuất tại Việt Nam" lên sản phẩm, sau đó đưa về nước tiêu thụ…

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng các địa phương khi kiểm tra xuất xứ hàng hóa mặt hàng đồ gia dụng tại nhiều DN kinh doanh hàng nhập khẩu đã phát hiện trên sản phẩm, bao bì, phiếu bảo hành các sản phẩm thể hiện bằng tiếng Việt. Đồng thời ghi thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ, trụ sở DN, trung tâm bảo hành tại Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc lợi dụng dán mác hàng Việt để xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế.

Luật còn kẽ hở

Phân tích nguyên nhân khiến hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt có chiều hướng gia tăng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau 10 năm triển khai Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Lợi dụng lòng tin người tiêu dùng, nhiều DN gắn mác "Made in Vietnam" lên các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tiêu thụ. Bên cạnh đó, hiện mức xử phạt đối với các hành vi như buôn bán, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa... mới chỉ dừng lại mức xử phạt hành chính với con số vài chục triệu đồng, không đủ sức răn đe.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, thực tế quá trình ngăn chặn hàng gian lận nguồn gốc xuất xứ cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy chuẩn thế nào là hàng "Made in Vietnam" nên QLTT chỉ có thể kiểm tra, bắt giữ hàng hóa nhập lậu. Còn hàng hóa sản xuất trong nước, gắn nhãn “Made in Vietnam” thì chưa có căn cứ xác minh xuất xứ đó có đúng hay không.

Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục cũng nhận định, hiện nay có khoảng 35 văn bản quy định về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhưng nhiều văn bản không trùng khớp nhau, có tình trạng “đá nhau” gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chưa tạo được sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội. Do vậy, để đẩy lùi hàng giả, hàng không rõ xuất xứ núp bóng "Made in Vietnam", yêu cầu đặt ra là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ tiêu chuẩn hàng "Made in Vietnam". Đồng thời phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các lực lượng chức năng kiểm soát tốt thị trường.