Trong đó có những vụ đối tượng sản xuất, đóng gói nhiều loại sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia như: Omega 3, tảo xoắn, sữa ong chúa, vi cá mập, collagen… giả để tuồn vào các nhà thuốc, thậm chí vào cả những chợ thuốc lớn tiêu thụ. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn diễn biến phức tạp.
50% vi phạm về chất lượng
Vừa qua, Công an Hà Nội qua kiểm tra Công ty TNHH Đầu tư Phát triển y tế và hóa chất VQTech (địa chỉ tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) đã phát hiện và thu giữ khoảng 20 tấn TPCN giả. Sản phẩm chủ yếu gồm Sữa ong chúa Costar, Royal Jelly, Omega 3. Điều đáng nói, số lượng lớn TPCN giả này đã được phân phối cho rất nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội và được bày bán tại Trung tâm Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapulico, quận Thanh Xuân - một trong những điểm buôn bán dược phẩm lớn ở miền Bắc.
Ông Trần Hùng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 T.Ư cho biết: Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng sản xuất, buôn bán TPCN là nhập lậu sản phẩm từ Trung Quốc không nhãn mác về Việt Nam, sau đó đóng gói, dán nhãn giả sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ, Australia và các nước châu Âu, thậm chí giả cả nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam để đưa ra thị trường tiêu thụ. Những đối tượng này trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem khá tinh vi. Ngay lực lượng chức năng bằng mắt thường cũng khó phân biệt với hàng chính hãng.
Bằng những thủ đoạn tinh vi này, cứ 10 mặt hàng TPCN qua giám định của các đợt kiểm tra thì có 5 mặt hàng vi phạm về chất lượng như chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, có sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép, mua sản phẩm rồi mang về Việt Nam đóng gói, dán nhãn mác, kinh doanh hàng tẩy xóa hạn sử dụng…
Chồng chéo trong quản lý
Báo cáo của Cục ATTP (Bộ Y tế) cho thấy, từ năm 2014 đến cuối tháng 5/2015, Cục đã cấp giấy xác nhận TPCN cho trên 10.000 sản phẩm. Nhưng từ đầu năm đến nay, Cục mới chỉ thu hồi 5 giấy xác nhận công bố sản phẩm và 6 giấy xác nhận nội dung quảng cáo do các vi phạm của DN, xử lý 140 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 3,2 tỷ đồng chủ yếu đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo TPCN.
Thực tế trên cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả còn chồng chéo, sơ hở. Công tác kiểm soát hàng hóa ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển còn lỏng lẻo. Đặc biệt, vấn đề xử lý cán bộ tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu vẫn chưa quyết liệt. Ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội than phiền: Trong quá trình kiểm tra thị trường TPCN cho thấy, Cục Quản lý dược không quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện loại sản phẩm nào được phép và không được phép lưu hành. Bên cạnh đó, việc giám định chất lượng hàng giả, hàng kém chất lượng mỗi đơn vị chịu trách nhiệm lại cho một kết quả khác nhau. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc xử lý vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất TPCN giả mạo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ Thông tư liên tịch số 64/2015/TT BTC - BCT - BCA - BQP, theo đó, nếu hàng hóa vận chuyển trên đường mà không có hóa đơn chứng từ được xác định là hàng nhập lậu. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 T.Ư cũng sẽ sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng; xác định rõ việc trao đổi thông tin giám định từ các cơ quan kiểm tra chuyên ngành xử lý tang vật vi phạm; có cơ chế hỗ trợ chi phí tiêu hủy đảm bảo cho các lực lượng khi tham gia xử lý các vụ vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra số thực phẩm chức năng thu giữ ngày 27/11.
|