70 năm giải phóng Thủ đô

Trăn trở ca trù

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tháng 10/2009, nghệ thuật ca trù Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Thế nhưng sau hơn 3 năm được UNESCO vinh danh, ca trù vẫn đang ở tình trạng thiếu vắng cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức.

Trăn trở ca trù - Ảnh 1

 Một tiết mục biểu diễn của NSƯT Bùi Thị Kim Đức tại đêm khai mạc Liên hoan Ca trù toàn quốc lần 2 năm 2012

Cạn dần tinh túy

Theo Công ước UNESCO năm 2003, các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của các quốc gia sau khi được đề cử, công nhận sẽ đăng ký vào hai danh sách di sản của nhân loại, đó là: Di sản đại diện của nhân loại và Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Di sản từ danh sách này có thể chuyển sang danh sách khác căn cứ vào hiện trạng, sức sống của di sản. Với lộ trình đó, đến năm 2014, chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ đưa loại hình di sản văn hóa phi vật thể này vượt qua ranh giới "cần được bảo vệ khẩn cấp”. Thế nhưng, việc bảo tồn ca trù xem ra không đơn giản.

 Sở dĩ nói vậy, bởi vì số nghệ nhân lão làng của ca trù ngày càng mai một. Điểm lại lịch sử của ca trù, chúng ta sẽ thấy, từ thế kỷ 19 đổ về trước là thời kỳ hoàng kim của ca trù. Cung vua, phủ chúa khi có sự kiện gì trọng đại đều cho mời các ca nương, kép đàn ca trù vào biểu diễn. Bởi đây là một loại nghệ thuật thuộc hàng bác học.

40 năm ca trù bị quên lãng, chúng ta đã mất đi những thế hệ hiểu biết về ca trù. Những ca nương, kép đàn mất dần theo thời gian, người còn lại bây giờ đã rất già yếu. Thêm vào đó, trong suốt một thời gian dài, người nghệ sỹ không được biểu diễn. Bởi thế, tinh túy của nghệ thuật ca trù cũng phai phôi. Dù với bất cứ ai, bất cứ lĩnh vực nào, khi không được thực hành thì cũng sẽ không thể tồn tại. Văn hóa là phải sống, nghệ thuật phải cần "đất diễn”. Nếu nghệ thuật xướng ca chỉ dừng ở mức văn bản lý thuyết thì nó cũng đã là ở trạng thái "chết”, chứ chưa nói đến  những tác động khác…

Theo PGS, TS. Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), hiện toàn quốc có khoảng trên 60 CLB ca trù, với trên 500 thành viên tham gia sinh hoạt, tập luyện. Tuy nhiên, số nghệ nhân thực hành ca trù so với thời điểm xây dựng hồ sơ gửi UNESCO còn 21 người, đến giờ một số cụ đã mất, số nghệ nhân còn lại tuổi cao sức yếu.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trăn  trở: Nếu chúng ta không nhanh chóng học tập tinh hoa của những nghệ nhân đi trước thì khi các cụ mất đi, ca trù sẽ mất theo…

Vắng người nghe…

Chung nỗi lòng giữ gìn di sản trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho hay: Hiện thành phố có 14 đào nương, hầu hết đều trên dưới 60 tuổi. Nếu không bảo tồn kịp thời, thì khoảng chục năm nữa TP Hồ Chí Minh sẽ tự xóa tên trên bản đồ các địa phương có di sản ca trù. "Dự định mở lớp truyền dạy thì không đào đâu ra học viên. Dự định gắn ca trù với du lịch thì các cơ sở du lịch từ chối. Nghệ nhân nhiệt tình, tự nguyện mở lớp truyền dạy tại gia, muốn được hỗ trợ kinh phí cũng rất khó khăn, nhiêu khê. Cho đến nay chưa có nghệ nhân truyền nghề nào được hỗ trợ kinh phí” - ông Lộc cho biết.

Từ khi ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, người ta biết đến ca trù nhiều hơn. Vì thế, trong một giai đoạn ngắn nhu cầu thưởng thức loại hình nghệ thuật này cũng tăng lên, nhất là với khách quốc tế. Nhưng thế hệ trẻ Việt Nam lại chẳng mấy mặn mà với việc nghe và học hát ca trù. Vì thế việc học nghề và truyền nghề đối với loại hình nghệ thuật bác học như ca trù lại càng kén người học. Các cấp, ngành hữu quan của các tỉnh, thành phố thiếu quan tâm, hỗ trợ kinh phí, địa điểm để bảo tồn và duy trì hoạt động của các CLB ca trù tại địa phương.

Hiện nay, các CLB ca trù vẫn duy trì sinh hoạt, biểu diễn ở các điểm diễn ngay tại CLB, trong khu vực phố cổ, để thu hút khách du lịch, từ đó tạo nguồn thu hoặc kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ. Nhưng chưa có sự kết hợp chặt chẽ nào giữa các CLB ca trù với các công ty lữ hành, vì vậy, các CLB cứ hoạt động một cách thoi thóp trong tình yêu với môn nghệ thuật ca trù truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm CLB ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: Chanh Thôn là một trong những cái nôi của ca trù Hà Nội. Chỉ riêng địa phương này đã có 3 ca nương, kép đàn được phong Nghệ nhân dân gian. Khi ca trù được vinh danh thì Chanh Thôn được đón nhiều đoàn nghiên cứu, phóng viên về tìm hiểu. Nhưng từ đó đến bây giờ không mấy ai hỏi thăm đến các cụ, đến phong trào ca trù của thôn. Thậm chí khi các cụ ốm hay mất đi cũng không thấy tổ chức nào quan tâm.

Điều khiến cho nhiều người băn khoăn nhất không phải là thiếu đội ngũ trẻ kế cận, bởi theo nhận định của các nhà nghiên cứu: các CLB ca trù đã có thế hệ trẻ tiếp nối. Điều băn khoăn ấy lại do ca trù đang thiếu vắng người nghe chuyên nghiệp trong mỗi đêm diễn, mỗi kì liên hoan. Có mặt tại các buổi biểu diễn của liên hoan chủ yếu là những người trong nghề, nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí. Còn lại, số lượng khán giả đến nghe ca trù thì chẳng mấy ai.

Ông Tô Ngọc Thanh tỏ ra thất vọng: "Thậm chí tôi cho rằng chẳng có ai. Bởi vì từ trước đến nay chúng ta chưa bao giờ đặt vấn đề để có công chúng….

Năm 2005, Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức. 7 năm sau, năm 2012, một kì Liên hoan tiếp theo mới được tổ chức. Ngay tại Hà Nội, nơi được nhắc tới như cái nôi của nghệ thuật, đang chứa đựng và nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật, từ ca trù, xẩm…  hai kỳ Liên hoan Ca trù lần 1 (2005) và lần 2 (2012) cũng cách nhau tới 12 năm. Chỉ chừng ấy cũng đủ hiểu, ca trù bị rơi vào quên lãng từ phía những nhà quản lý văn hóa. Việc gìn giữ và đưa ca trù trở lại mới chỉ là tâm huyết của người yêu ca trù và nỗ lực của các nghệ nhân, những ca nương, kép đàn ở CLB ca trù. Liên hoan Ca trù Hà Nội sẽ được tổ chức định kì 2 năm/lần đã động viên phần nào những người đeo đuổi nghiệp ca trù, nhưng chừng ấy, chưa thể giúp ca trù sống lâu bền với công chúng.

Chúng ta cần một nhà hát di sản để giúp công chúng đến gần hơn, hiểu và yêu ca trù hơn nữa. Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức, không nhanh chóng có chiến lược mang tầm quản lý nhà nước thì sẽ ra sao khi chỉ còn 1 năm nữa (trong thời hạn 5 năm quy định) để vượt qua những kiểm soát gắt gao của UNESCO. 1 năm còn lại cho nỗ lực gìn giữ danh hiệu "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại” là quá ngắn ngủi để ca trù không còn phải gánh thêm hai chữ "khẩn cấp”.