Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”:

Trăn trở với nghề truyền thống đậu phụ Mơ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Đậu phụ Mơ đang rất đắt hàng, ngoài 10 giờ là không có đậu để mà bán, nhưng làm thế nào để phát triển nghề truyền thống lại là vấn đề không đơn giản chút nào”- Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Văn Vịnh chia sẻ.

"Làm thế nào để bảo tồn và phát triển đậu phụ Mơ là sự trăn trở bao năm nay của chính quyền và người dân chúng tôi", Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Văn Vịnh chia sẻ.
"Làm thế nào để bảo tồn và phát triển đậu phụ Mơ là sự trăn trở bao năm nay của chính quyền và người dân chúng tôi", Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Văn Vịnh chia sẻ.

Nói đến món Đậu Mơ nức tiếng của 2 làng Mai Động và Mơ Táo (phường Mai Động) là điều mà người dân Hoàng Mai và các bà nội trợ Hà Nội, ai cũng biết. Nói đến đậu Mơ người ta thường nghĩ ngay đến những bìa đậu nhỏ, trắng muốt, mềm và thơm ngậy.

Vì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ

 Tương truyền, cách đây hơn 2.000 năm ông tổ trại Mai Động được thờ làm Thành hoàng làng là Nguyễn Tam Trinh (quê Thanh Hóa), bộ tướng của Hai Bà Trưng, đi qua vùng này, thấy hoa mơ, mai, mận nở rực rỡ nên đã ở lại mở lò vật. Sẵn có hạt giống đậu tương mang từ quê xứ Thanh, ông truyền dạy cho dân làng nghề làm đậu phụ, trước tiên để nuôi quân. Người ta bảo do nước làng Mơ trong, mát, tinh khiết nên đậu ở đây mới ngon. Trung Quốc chính là quê hương của món đậu phụ nhưng du khách Trung Quốc đến Hà Nội vẫn tìm đến Mai Động để thưởng thức món ăn này.

Hiện chỉ còn 21 hộ làm đậu Mơ. Ảnh TT
Hiện chỉ còn 21 hộ làm đậu Mơ. Ảnh TT

“Những năm 60 thế kỷ trước, địa phương có HTX Kết Nghĩa với hơn 300 hộ gia đình tham gia, mỗi ngày cung cấp hàng ngàn tấn đậu phụ cho Hà Nội, nhưng đến nay chỉ còn 21 gia đình theo đuổi nghề này” - Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Nguyễn Trường Thịnh chủ nhiệm đề án “Phát triển nghề truyền thống đậu Mơ phương Mai Động giai đoạn 2022 - 2027 và định hướng đến năm 2030” trăn trở.

“Tại sao anh lấy được em/Vì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ”, câu ca đã đi vào lòng người bấy lâu. Đậu phụ Mơ trứ danh không kén túi tiền, không kén người ăn, khi còn nóng có thể ăn ngay, tùy theo khẩu vị của từng người, đậu được chấm với mắm tôm, mắm tép hay nước mắm nguyên chất pha tỏi. Điều đáng ngạc nhiên là đậu Mơ, món quà bình dân mà dung dị tồn tại với người Hà Nội theo năm tháng, thậm chí đi khắp 5 châu, 4 bể người ta vẫn thèm được cảm giác “ngon tê lưỡi” nhưng đến nay 2 làng trên vẫn chưa được công nhận là làng nghề truyền thống.

Theo Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP quy định về tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, muốn trở thành làng nghề phải đạt cả 3 tiêu chí sau: Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, do không có lãi số hộ còn theo đuổi nghề truyền thống của cha, ông còn quá ít (21 hộ) nên ngay trong đề án “Phát triển nghề truyền thống đậu Mơ” mục tiêu giai đoạn 2022 - 2027 và định hướng đến năm 2030 cũng chỉ dừng lại các chỉ tiêu khiêm tốn: Tỷ lệ giá trị sản xuất đậu Mơ chiếm 5% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn; tạo việc làm cho 1.500 lao động.

“Đậu Mơ chấm với mắm tôm /Ăn xong buổi sáng, đến hôm… lại thèm”. Ảnh TA
“Đậu Mơ chấm với mắm tôm /Ăn xong buổi sáng, đến hôm… lại thèm”. Ảnh TA

Vì nhiều lý do, đến nay địa phương mới làm thủ tục đề xuất công nhận nghề gia truyền đậu Mơ là nghề truyền thống của phương Mai Động, trong khi quy định chỉ cần “nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận. Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc. Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề”.

Đậu Mơ, một thương hiệu đang mai một

Đã nhiều năm nay, hơn 20 hộ dân Mai Động vẫn loay hoay tìm đầu ra cho tấm đậu phụ giá chỉ 2.000 đồng. Phần lớn các hộ đều sản xuất thủ công, quy mô vừa và nhỏ nên tính ra hiệu quả thu lại thấp, không còn hấp dẫn người dân tham gia. Bà Lưu gần 90 tuổi, người có thâm niên trong nghề hơn 70 năm chia sẻ: “Vì muốn bảo tồn nghề của cha ông nên gia đình bà vẫn cố duy trì túc tắc, chứ hiện nay làm đậu lời lãi chả được bao nhiêu, không mấy nhà ham!”.

Ngày nay, máy móc hiện đại có thể  thay thế sức lao động của con người nhưng để có miếng đậu ngon, béo gia đình bà Lưu vẫn miệt mài với công đoạn truyền thống của mình để làm ra những miếng đậu ngon phục vụ bà con và khách hàng nên số lượng không nhiều. Thực tế, ngay tại Mai Động nếu chậm chân, đến tầm 9, 10 giờ là không thể bói đâu ra bìa đậu để làm các món canh đậu thanh mát giải nhiệt, đậu sốt cà chua... ấm vị tình quê.

“Tại sao anh lấy được em/Vì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ”. Ảnh: AT
“Tại sao anh lấy được em/Vì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ”. Ảnh: AT

Theo GS.TS Nguyễn Kim Lưu (Bệnh viên 103) nạp vào cơ thể 100g đậu phụ sẽ cung cấp cho cơ thể 76 calo. Số calo này không quá cao nên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giảm cân của bạn. Mặc dù hàm lượng calo không lớn nhưng đậu phụ lại chứa nhiều protein, điều này khiến bạn có cảm giác no lâu hơn. Protein trong đậu phụ giúp hạn chế cholesterol xấu hấp thu vào cơ thể. Ngoài ra lượng carbohydrate tự nhiên do đậu phụ cung cấp không chứa gluten cũng rất phù hợp cho những ai mắc chứng bệnh Celiac (bất dung nạp gluten). Nói tóm lại, đậu phụ là món ăn phù hợp với đa số người Việt, cần duy trì phát triển, nhất là thương hiệu đã có tiếng như đậu Mơ.

Đậu Mơ chấm với mắm tôm

Ăn xong buổi sáng, đến hôm… lại thèm”

Nói đến các nghề truyền thống của địa phương, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Đậu Mơ, cùng với bánh cuốn Thanh Trì, bún Tứ Kỳ là những món ăn nổi tiếng của Hoàng Mai, cần phải duy trì và phát triển. Quận Hoàng Mai đang có các kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của địa phương”. Tuy nhiên về lâu dài, quận Hoàng Mai cũng cần tính đến việc xây dựng đề án phát triển phát triển du lịch gắn với làng nghề. Một hướng đi đang được Hà Nội khuyến và nhiều địa phương đã thành công.