“Đồng hành cùng bạn đọc tiếp cận công lý” luôn là slogan của PL&XH, đó là động lực và “kim chỉ nam” để mỗi cán bộ, phóng viên, người lao động của PL&XH hướng đến và thực hiện. Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc thân thiết, đã đồng hành cùng PL&XH suốt thời gian qua.
Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Là ấn phẩm uy tín về lĩnh vực pháp luật”
Tôi đã cộng tác với ấn phẩm PL&XH trong nhiều năm. Tôi nhận thấy, ấn phẩm có lối khai thác thông tin riêng, đậm nét về các vấn đề liên quan đến pháp luật. Nhiều vụ án do tôi làm luật sư bào chữa, với sự đồng hành, lên tiếng của ấn phẩm đã giúp những người bị oan sai, bị truy cứu trách nhiệm chưa đúng tìm được công lý.
Là người cộng tác “mở hàng” cho trang Tố tụng – Phản biện khi PL&XH cải tiến nội dung, LS Nguyễn Minh Long, bận rộn hơn vì trở thành LS “free” (miễn phí) của bạn đọc.
“Ngay trong tuần đầu tiên khi để lại địa chỉ, điện thoại để tư vấn, giải đáp pháp luật cho bạn đọc trên báo, tôi đã nhận khoảng 500 cuộc gọi, khiến khách hàng quen của Công ty phải liên lạc nhiều lần vì điện thoại luôn bận. Quả thật, tôi không hình dung được bạn đọc của báo PL&XH lại có nhu cầu tìm hiểu pháp luật nhiều đến vậy. Mỗi người là một tình huống, và không ít câu hỏi “hóc búa” nên nhiều người gọi đến, tôi phải hẹn lại để Ban tư vấn của Công ty nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới giải đáp được”, LS Long chia sẻ.
Không chỉ cung cấp những kiến thức pháp luật, văn bản pháp luật mới, ấn phẩm còn có những bài viết thảo luận tình huống pháp lý phức tạp. Một số chuyên mục như: Giải đáp chính sách, Giải đáp pháp luật… với sự giải đáp của các chuyên gia pháp lý, luật sư là diễn đàn bạn đọc được trợ giúp pháp lý. Đây cũng là kênh để tuyên truyền các quy định của pháp luật gắn với những tình huống thực tiễn.
Ấn phẩm chính là cầu nối giữa các chuyên gia pháp lý, các cơ quan tố tụng, cán bộ cơ sở và Nhân dân cũng có thể trao đổi, “giao lưu” từ các mục diễn đàn, kết nối, chia sẻ…
Ấn phẩm PL&XH từ khi sáp nhập về báo Kinh tế & Đô thị, phát triển theo hướng khai thác bài chuyên sâu, tôi thấy là một hướng đi đúng đắn. Ấn phẩm đã bám sát tôn chỉ, luôn đồng hành với Thành ủy, UBND TP, các cơ quan đơn vị và bạn đọc, phản ánh cả những mặt chưa được, phản biện xã hội, đấu tranh với những quan điểm sai trái, xấu độc trên mạng xã hội. Không chỉ vậy, hình thức của ấn phẩm cũng ngày càng cải tiến theo hướng hiện đại, trình bày thoáng, rộng rất dễ theo dõi.
Mong rằng, bước sang tuổi mới, ấn phẩm thêm trưởng thành, tăng cường những bài viết điều tra, xác minh, những bài chuyên sâu về pháp lý, góp thêm tiếng nói bảo vệ bạn đọc. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 16, chúc Quý báo ngày càng thịnh vượng, phát triển hơn nữa hệ thống cộng tác viên. Chúc Quý báo xứng đáng là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội, xứng đáng với sự tin yêu của độc giả bốn phương.
Ông Nguyễn Đức Chiến, công chức tư pháp xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội: Bám sát chủ trương của TP Hà Nội và đời sống dân sinh
Tôi thường xuyên xem tin tức trên Ấn phẩm PL&XH điện tử và cả ấn phẩm in, tôi nhận thấy PL&XH luôn kịp thời đưa thông tin những vấn đề nóng, đông đảo dư luận cả nước quan tâm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đô thị, xã hội, văn hóa ở cả trong nước và quốc tế.
Truyền tải thông tin nhanh, chuẩn xác, bám sát chủ trương của TP Hà Nội; sát với đời sống dân sinh nhất là trong công tác quản lý Nhà nước ở địa phương, mang đậm thông tin rất hữu ích cho chính quyền cơ sở.
Đặc biệt PL&XH đã tuyên truyền mạnh mẽ và hiệu quả về các hoạt động tư pháp của TP, Sở Tư pháp và ngành tư pháp các quận, huyện, thị xã. Trong đó, PL&XH thực hiện cấp phát báo miễn phí đến 100% tổ hòa giải trên địa bàn TP. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền TP trong công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Trên ấn phẩm điện tử, PL&XH đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, chất lượng ngày càng được nâng cao với hình ảnh bắt mắt, hiện đại, thân thiện hơn với bạn đọc. Những bài viết, những phóng sự trên TVphapluatxahoi đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của tôi và độc giả trên cả nước.
Tôi mong muốn báo tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được, tăng cường các bài viết tuyên truyền đi sâu, đi sát về cơ sở. Bởi có đi về cơ sở thì mới hiểu được dân và hiểu được chính quyền địa phương.
Chúc PL&XH ngày càng phát triển, luôn giữ được bản sắc, tôn chỉ mục đích của mình.
Bạch Dương (ghi)
Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 2, phường Lý Thái Tổ Bùi Văn Phùng: 4 số PL&XH mỗi tuần: “Kênh thông tin pháp luật hữu hiệu đối với chúng tôi”
Tôi chưa dứt lời giới thiệu, bác Bùi Văn Phùng (79 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 2, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã cười rất tươi và chỉ vào tờ PL&XH đang để ngay ngắn trên bàn: “Bác vẫn nhận được báo thường xuyên, kênh kiến thức về pháp luật rất hữu ích đấy cháu”.
Nhiều năm làm công tác hòa giải, bác Phùng chia sẻ, để có được nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và uy tín để làm công tác hòa giải thực sự không đơn giản. Bản thân bác cũng nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm Phó Bí thư chi bộ khu dân cư, Tổ trưởng tổ dân phố, nắm chắc tình hình của tổ, từng nhân sự của mỗi hộ gia đình. Nên khi có vấn đề mâu thuẫn xảy ra, bác có thể đưa ra những giải pháp xử lý có tình, có lý, giảm bớt được những điểm nóng từ cơ sở.
Bác Bùi Văn Phùng nhớ lại, vào năm 2020, tại khu tập thể 23B Hàng Tre, chỉ từ việc làm lại cánh cửa của trạm bơm nước mà người dân trong khu tập thể đã kiến nghị đông người. Người dân cho rằng, nếu tổ dân phố không giải quyết được thì sẽ khiếu nại lên cấp ủy, lên phường và quận.
Câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản về việc cánh cổng được thay từ cánh gỗ bằng cánh inox. Khi làm xong có người dân mang nam châm thử vào cánh cửa inox, nam châm vẫn hút. Vậy là mâu thuẫn xảy ra, người dân trong khu tập thể cho rằng người được giao làm đã có yếu tố vụ lợi cá nhân, dẫn đến chất lượng cánh cửa không đảm bảo yêu cầu.
Bác Phùng với cương vị là Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải, Tổ trưởng tổ dân phố đã rất cẩn thận tiến hành tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Bác gọi những người có liên quan, gọi người làm cánh cổng, yêu cầu xuất trình hóa đơn chứng từ. Xác định chi phí làm cánh cổng chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng, không có yếu tố vụ lợi cá nhân, mà do sơ suất, không cẩn thận giám sát của người được giao làm nên dẫn đến chất lượng không đúng.
Tại buổi hòa giải, bác Phùng đã yêu cầu người làm sai nhận lỗi, những người dân khiếu nại lắng nghe và góp ý. Sự việc sau đó đã được hòa giải thành công với sự thấu hiểu, đồng thuận với kết luận cuối cùng của các bên tham gia.
Bác Phùng chia sẻ, nhiều người cứ nghĩ mâu thuẫn từ các tổ dân phố, khu dân cư phải là việc gì to tát, nhưng thực ra nhiều khi chỉ là những việc rất nhỏ, số tiền rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết có tình có lý kịp thời, sẽ dẫn đến những mâu thuẫn lớn và có thể gây hậu quả khó lường về con người, cơ sở vật chất, gây mất trật tự an ninh tại địa phương.
“Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật có xu hướng ngày càng tăng, nội dung phức tạp, nhất là mâu thuẫn, tranh chấp về quan hệ hôn nhân-gia đình, lĩnh vực đất đai…, nên hòa giải viên phải mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí mới đạt được kết quả hòa giải thành công.
Trong khi đó, việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước hết, về thể chế, chính sách, chưa có quy định mang tính ràng buộc, bắt buộc thực hiện những cam kết, thỏa thuận khi hòa giải thành làm hạn chế đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Mặt khác, quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự tổ chức, tiến hành cuộc hòa giải của tổ hòa giải, hòa giải viên chưa có nên khi thực hiện còn gặp lúng túng và thiếu thống nhất. Một bất cập nữa là vấn đề kinh phí cho công tác hòa giải hiện nay đang bị bỏ ngỏ.
Hàng năm, kinh phí cấp riêng cho công tác hòa giải chưa có (kinh phí cấp chung trong nguồn tuyên truyền giáo dục pháp luật). Mặc dù Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở…” nhưng việc huy động gặp nhiều khó khăn trong khi ngành Tư pháp TP, các địa phương tích cực vận động, tuyên truyền”, bác Bùi Văn Phùng cho hay.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của cán bộ hòa giải cơ sở, UBND quận Hoàn Kiếm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác hòa giải và tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật. Bác Phùng bảo, các cuộc thi hòa giải viên cũng là một kênh rất hữu ích để các cán bộ hòa giải như bác tham khảo được rất nhiều tình huống vướng mắc với phương pháp giải quyết đúng pháp luật và khoa học.
Hơn cả, bác rất tâm đắc với việc UBND TP Hà Nội, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP đã có đề án phát Ấn phẩm PL&XH đến các hòa giải viên như bác. “Mỗi tuần 4 số báo thực sự là kênh thông tin pháp luật hữu hiệu đối với chúng tôi” - bác Phùng cho biết.
Xuân Thanh