Dễ dàng nắm bắt kiến thức bổ ích
Đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai chưa khi nào bớt nỗi lo với ao nuôi cá rô phi của gia đình. "Vào thời điểm chuyển mùa, nhất là những ngày nắng nóng, có hiện tượng cá chết hàng loạt, tôi không biết nguyên nhân từ đâu và cách phòng ngừa, điều trị như thế nào.
Tham dự diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" được tổ chức mới đây, tôi đã biết cách phòng, trị bệnh hiệu quả cho cá. Trong đó, quan trọng nhất là luôn bảo đảm môi trường ao nuôi với nguồn nước sạch, thường xuyên thay nước kết hợp quạt oxy để loại bỏ độc tố và dùng chế phẩm vi sinh để khôi phục lợi khuẩn trong ao" - ông Hùng chia sẻ.
“Nhịp cầu nhà nông” không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, TP về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn TP tổ chức 6 diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông". - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường
Hộ bà Đinh Thị Song, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng đang canh tác 5 sào bưởi. Gần đây, trong vườn xuất hiện nhiều cây có quả sinh trưởng kém, quả méo. Băn khoăn của bà Song đã được TS Cao Văn Chí – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư) giải đáp, nguyên nhân là do bọ trĩ gây hại trên quả, tạo thành những vết sẹo khiến quả bưởi không thể lớn được. Vì vậy, nông dân cần phun thuốc phòng trừ ngay khi giai đoạn đậu quả thì mới hiệu quả. Cùng với đó, lưu ý bón phân và bổ sung chất dinh dưỡng cân đối cho cây.
Theo các chuyên gia, trong sản xuất nông nghiệp, phòng bệnh là quan trọng nhất, vừa hiệu quả vừa giảm được chi phí. Đối với bảo vệ thực vật, nông dân cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng nồng độ). Cùng với đó, kết hợp thường xuyên thăm vườn, thăm đồng, phát hiện sâu bệnh hại sớm, phòng trừ hiệu quả.
Về tổ chức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn, các chuyên gia khuyến cáo chủ trang trại, gia trại cần chú trọng vệ sinh chuồng trại, khử trùng môi trường, mua giống tại địa chỉ an toàn dịch bệnh và nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh.
Nhà khoa học đồng hành với nhà nông
"Nhịp cầu nhà nông" là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP với sự tham gia của Ban cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi – thú y, thủy sản, trồng trọt – bảo vệ thực vật.
Trong suốt hơn 15 năm đồng hành với ngành nông nghiệp Hà Nội, điều khiến GS.TS Nguyễn Lân Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam tâm đắc nhất là sau nhiều diễn đàn “Nhịp cầu nhà nông”, bà con nông dân đã thay đổi tư duy và cách làm. Đó là sự chuyển đổi phương thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi sang biện pháp an toàn sinh học.
“Những gì mà tôi và các nhà khoa học đang thực hiện là mong muốn được góp sức cùng nông dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Có như vậy, sức cạnh tranh của nông sản của Việt Nam mới được nâng lên và nông dân có cơ hội làm giàu trên những thửa ruộng của mình” – GS.TS Nguyễn Lân Hùng tâm sự.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Do đó, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập.