Trắng đêm cùng Tổ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân F0 Nam Từ Liêm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để chủ động chuyển tuyến F0, cấp cứu người bệnh kịp thời, quận Nam Từ Liêm đã thành lập 1 đội cấp cứu vận chuyển những bệnh nhân chuyển nặng. Đây là mô hình xã hội hóa, phát huy hiệu quả thiết thực, cần được nhân rộng trong bối cảnh hiện nay.

Tổ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân ở quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phương Nga.
Tổ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân ở quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phương Nga.

Giành giật sự sống cùng bệnh nhân nặng

Hôm nay (ngày 27/2 ) – là ngày Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhưng công việc của những thành viên trong Tổ Cấp cứu vận chuyển bệnh nhân của quận Nam Từ Liêm vẫn diễn ra như thường lệ, với những bộ đồ bảo hộ kín mít, xe cứu thương, bình oxy, cùng sự lo lắng, tất bật, khẩn trương…

Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, Tổ vận chuyển sẽ đưa bệnh nhân đến các cơ sở cấp cứu
Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, Tổ vận chuyển sẽ đưa bệnh nhân đến các cơ sở cấp cứu

Vừa vào ca trực, sau khi làm thủ tục test Covid-19 như thường lệ, kíp trực gồm 3 thành viên của bác sĩ Nguyễn Tứ Sơn (Bác sĩ Gây mê Hồi sức – Bệnh viện Hữu Nghị) – Phó phụ trách Tổ vận chuyển đã khẩn trương tiếp nhận chuyến đầu tiên trong ngày. Bệnh nhân là một F0 có dấu hiệu chuyển biến nặng tại phường Cầu Diễn. Nhanh chóng chuẩn bị quân tư trang, đồ bảo hộ, thiết bị y tế mang theo xe, cả ekip tức tốc lên đường.

Những chuyến xe của Tổ cấp cứu hoạt động không kể ngày đêm để hỗ trợ và vận chuyển bệnh nhân F0 nặng
Những chuyến xe của Tổ cấp cứu hoạt động không kể ngày đêm để hỗ trợ và vận chuyển bệnh nhân F0 nặng

Trên đường tới nhà bệnh nhân, các thành viên trong kíp tranh thủ trao đổi và phân công nhiệm vụ rõ ràng, đồng thời liên tục gọi điện tới Trạm Y tế để sắp xếp nhân lực, thiết bị, để kíp cấp cứu đến nơi sẽ nhanh chóng xử trí, vận chuyển người bệnh. Lúc bác sĩ và xe cấp cứu tới nơi, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của bệnh nhân đã tụt xuống mức 94%. Bệnh nhân trong tâm lý hoảng loạn và không tự đi lại được. Sau khi xử trí cấp cứu ban đầu, cả ekip đã đưa bệnh nhân xuống xe, nhanh chóng di chuyển tới Trạm Y tế lưu động. Vì chỉ số oxy máu của bệnh nhân đã xuống thấp, có dấu hiệu suy hô hấp nên ngay khi đưa bệnh nhân lên xe, các y bác sĩ đã phải nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy hỗ trợ. Tuy tình huống rất nguy cấp nhưng mỗi người một việc, mọi thao tác đều nhuần nhuyễn, chính xác.

Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Nguyễn Tứ Sơn cho biết, ngoài công việc chuyên môn tại bệnh viện, hàng ngày anh còn tham gia vào Tổ vận chuyển bệnh nhân này. Từ khi dịch bùng phát mạnh, công việc của Tổ vất vả hơn rất nhiều, ngày cao điểm lên tới cả chục ca. Có những khi vừa xong một ca vận chuyển, còn đang trên đường đi về nhưng đã nhận ca mới. Mặc dù mệt mỏi, nguy hiểm, nhưng tất cả mọi người đều phải gồng mình hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Sự hy sinh, vất vả của các y, bác sĩ, điều dưỡng, cũng như các thành viên tham gia vào Tổ Cấp cứu vận chuyển bệnh nhân nặng đã góp phần cùng bệnh nhân giành giật lại sự sống. Những ngày vừa qua, có lẽ là khoảng thời gian mà chị Quỳnh Trang ở phường Cầu Diễn không thể nào quên được khi chứng kiến cậu con trai 14 tuổi đứng giữa làn sinh tử vì Covid-19. Chưa hết bàng hoàng, chị Trang kể lại, hai tuần trước, khi con trai chị phát hiện dương tính với Covid-19, gia đình đã để cháu ở nhà và tự chữa. Tuy nhiên, sau đó con sốt cao kèm theo co giật liên tục, mắt không mở được. Gia đình chị cấp tốc gọi điện cho Trạm Y tế phường để nhờ can thiệp.

Ngay sau đó, các bác sĩ của Trạm Y tế phường Cầu Diễn và Tổ Cấp cứu bệnh nhân của quận đã có mặt để cấp cứu và chuyển người bệnh tới Trạm Y tế lưu động. Sau khi được cấp cứu kịp thời, cháu đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và hiện đã được xuất viện về với gia đình.

Chị Trang xúc động nói: “Gia đình tôi thực sự biết ơn đội ngũ y, bác sĩ của phường và quận đã kịp thời cứu chữa cho cháu. Qua sự việc của gia đình, tôi khuyên các gia đình khác nếu có F0 cần phải gọi ngay tới y tế phường nơi ở hiện tại để khai báo. Đây là kênh bác sĩ chuyên môn hỗ trợ kịp thời và tốt nhất”.

Giảm tải áp lực cho tuyến trên

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, ngay từ khi dịch diễn biến phức tạp, quận đã dự liệu trước và khẩn trương có phương án. Nhờ đó, quận đã chủ động ngay từ đầu về nguồn nhân lực, trang thiết bị, cấp cứu kịp thời những bệnh nhân F0 chuyển nặng. 

Thông tin thêm về công tác hỗ trợ các F0, ông Trần Thanh Long- Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho hay, để chủ động chuyển tuyến F0, cấp cứu người bệnh kịp thời, quận đã thành lập 1 đội cấp cứu vận chuyển những bệnh nhân chuyển nặng. Đây là tổ chức thuộc Trung tâm Y tế quận, chịu sự quản lý điều hành của Giám đốc Trung tâm Y tế quận.

Hoạt động hiệu quả của Tổ cấp cứu giúp nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời.
Hoạt động hiệu quả của Tổ cấp cứu giúp nhiều bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Tổ có nhiệm vụ cấp cứu vận chuyển người bệnh cho 10 Trạm Y tế lưu động tại các phường. Lực lượng tham gia vào đội cấp cứu này gồm 18 cán bộ y tế và 2 xe cứu thương làm việc 24/24/7 để cấp cứu tại nhà và vận chuyển F0 lên tuyến trên. Trong đó, lực lượng hạt nhân là Bệnh viện Hữu Nghị và sự tham gia của một số cơ sở y tế tư nhân. Tổ làm việc chủ động, trụ sở đặt tại Trung tâm Văn hóa phường Tây Mỗ.

Sau 3 tháng đi vào hoạt động, đến nay Tổ đã cấp cứu được cho trên 500 F0 và vận chuyển trên 2.000 F0 đến các bệnh viện tuyến trên khi các Trạm y tế lưu động được phân tầng. Tổ cấp cứu và vận chuyển F0 chưa để xảy ra một trường hợp nào bệnh nhân bị tử vong do chưa được cấp cứu hoặc vận chuyển kịp thời trên địa bàn. “Trong bối cảnh số ca Covid-19 ngày một tăng như hiện nay, Tổ Cấp cứu vận chuyển bệnh nhân có ý nghĩa hết sức thiết thực, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân nặng, đồng thời góp phần giảm tải cho các lực lượng cấp cứu tuyến trên của TP.

Theo bác sĩ Đỗ Công Hân – Tổng phụ trách Tổ Cấp cứu vận chuyển người bệnh quận Nam Từ Liêm, đa phần các cuộc gọi liên quan đến F0 đều là các trường hợp nặng cần hỗ trợ về y tế khẩn cấp. Trong khi lực lượng cấp cứu 115 của TP hiện đang bị quá tải. Theo đó, mục đích khi thành lập lên Tổ Cấp cứu vận chuyển của quận là làm sao giảm thời gian bệnh nhân được nhanh chóng đến bệnh viện một cách tốt nhất.

Do Tổ được đặt tại địa bàn quận và thông thạo địa bàn. Đây là một mô hình khác biệt và duy nhất so với các quận, huyện khác trên địa bàn TP. Mô hình này đang phát huy hiệu quả thiết thực khi số ca F0 ngoài cộng đồng tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, việc điều trị F0 tại nhà khi chuyển biến nặng cần được cấp cứu và vận chuyển kịp thời.

Về quy trình hoạt động, sau khi trạm y tế tiếp nhận được thông tin của người bệnh sẽ cử cán bộ đến thăm khám, nếu cần can thiệp, chuyển tuyến sẽ báo lên Trung tâm Y tế quận để điều động xe cấp cứu đến. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, mỗi ca trực, các thành viên phải thực hiện nhiều công đoạn quan trọng như khâu chuẩn bị trang thiết bị y tế hỗ trợ lúc cần thiết, quần áo bảo hộ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình vận chuyển. Sau cùng, kíp trực phải khử khuẩn, vệ sinh toan bộ xe cấp cứu để đảm bảo phòng dịch và chuẩn bị cho những chuyến vận chuyển tiếp theo.

Nhờ trang bị tốt, đến nay Tổ cấp cứu vẫn chưa xảy ra tình trạng lây nhiễm trong quá trình cấp cứu bệnh nhân, các nhân viên y tế cũng luôn có ý thức phòng hộ khi làm việc.

Bên cạnh đó, trước mỗi ca trực, tất cả nhân viên y tế đều được test sàng lọc Covid-19 để sớm phát hiện các trường hợp mắc, kịp thời ngăn chặn lây nhiễm, bảo đảm an toàn tối đa trong công việc.