Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trang mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những biến động thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị bước sang giai đoạn mới.

 Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh định hướng quy mô tăng lên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ phát triển với yếu tố chất lượng đặt lên hàng đầu, ngày càng lành mạnh và minh bạch thông tin.

Trang mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1

Nghị định 65 là điểm tích cực trong dài hạn

Theo thống kê của chứng khoán TCBS, trong 9 tháng đầu năm 2022, có 421 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị đạt 259 nghìn tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2021. Phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn, với 398 đợt phát hành, giá trị 235 nghìn tỷ đồng. 

Số liệu trên cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá trầm lắng từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ nhằm minh bạch hoá thị trường. Nhiều vụ sai phạm cũng đã và đang được xử lý, chẳng hạn như việc Uỷ Ban Chứng khoán công bố huỷ bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con Tập đoàn Tân Hoàng Minh, và đến mới đây là sự kiện điều tra lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngoài ra, Thông tư 16/2021/TT-NHNN đi vào hiệu lực với những điều kiện chặt chẽ về giao dịch đối với các tổ chức tín dụng cũng có tác động nhất định, do đây là những thành viên tham gia khá nhiều trên thị trường. Hoạt động phát hành riêng lẻ suy giảm đáng kể trong bối cảnh chờ đợi sửa đổi bổ sung Nghị định 153/NĐ-CP/2020.

Sau nhiều lần dự thảo, ngày 16/9/2022, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 cũng chính thức có hiệu lực. Theo nhận định của Công ty chứng khoán VNDirect, việc chính thức ban hành Nghị định 65 là một điểm tích cực đối với thị trường vốn trong dài hạn. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cũng cho rằng các thành viên thị trường (doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp tư vấn và nhà đầu tư) cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với những quy định mới. Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong một vài quý tới.

Đầu năm nay, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Trong khi 9 tháng đầu năm 2022, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 16% GDP.

Phát hành có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối 2023

Có thể thấy, trong dài hạn định hướng của cơ quan quản lý là đẩy mạnh sự phát triển của thị trường, nâng cao vai trò của trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Do đó, các động thái rà soát, siết chặt thị trường trái phiếu gần đây là động thái tích cực để lành mạnh hoá thị trường.

Thông tin với báo chí gần đây, phía Bộ Tài chính cho biết, khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật, cơ quan này đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Còn theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. 

Về phía cung, tổng giá trị phát hành trái phiếu có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2023. Nghị định 65 mới cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu nợ. Đây là một trong những điểm trọng yếu theo hướng nới lỏng hơn, giúp các doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nợ (theo đúng quy định) vẫn có thể tiếp cận được với kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Về phía cầu, số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ điều kiện sẽ sụt giảm trong ngắn hạn.

Đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn cũng cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được củng cố. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm. Cụ thể, ngày 6/9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Song song, Moody’s cũng nâng xếp hạng tín nhiệm cho một số ngân hàng Việt cho thấy mức độ uy tín cao trên thị trường quốc tế. Trong đó, đáng chú ý, một ngân hàng đã được nâng xếp hạng Đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) lên Ba2 là Techcombank – là mức độ uy tín cao nhất trong các ngân hàng được đánh giá. Moody’s nhận định, vốn và khả năng sinh lời là những điểm mạnh nổi bật của Techcombank. Tỷ lệ vốn hữu hình trên tài sản có rủi ro được điều chỉnh bởi Moody’s đạt 13,6% tại cuối năm 2021, thuộc hàng cao nhất trong danh sách đánh giá của hãng xếp hạng này.