Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông đã trở thành hoạt động thường niên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị trong nhiều năm qua. Đây là dịp để ôn lại quá khứ bi hùng, tôn vinh những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong chiến tranh. Đồng thời, là biểu tượng sáng ngời của niềm tin, khát vọng thống nhất non sông của người dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.
Trong không khí trang nghiêm, lá cờ đỏ sao vàng được kéo dần lên, tung bay trên kỳ đài của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Tháng 7/1954, sau Hiệp định Geneve được ký kết, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt 2 miền đất nước trong suốt 21 năm. Lá cờ đỏ sao vàng bên bờ sông Bến Hải chính là biểu tượng của niềm tin, ý chí, sức mạnh không bao giờ gục ngã của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu đầy cam go, gian khổ.
Trong không khí trang nghiêm, Lễ Thượng cờ nhằm ôn lại ký ức của một thời hào hùng, vẻ vang của toàn dân tộc, đồng thời tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hi sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nham chia sẻ: Lễ Thượng cờ còn là dịp để mỗi một cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về trách nhiệm trong việc gìn giữ nền hòa bình mà lớp lớp cha ông đã hi sinh xương máu để giành được.
Tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồn thời bảo vệ, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng trên mảnh đất này để mỗi một du khách khi đến với Quảng Trị hôm nay không còn là đến với vùng đất khô cằn sỏi đá, đầy vết tích của chiến tranh mà là đến với mảnh đất giàu truyền thống anh hùng, mảnh đất của tri ân, của khát vọng về một tương lai ngời sáng.
Với mong muốn góp phần xây dựng Quảng Trị trở thành một điểm đến hòa bình, tại buổi lễ Thượng cờ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng “Ước nguyện Hòa Bình” Quảng Trị - năm 2023.
Thông qua cuộc thi sẽ tìm ra một biểu tượng để lan tỏa giá trị vĩnh cửu của hòa bình. Sau khi cuộc thi kết thúc, biểu tượng được chọn sẽ được xây dựng tại Công viên Hòa bình ở Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với mong muốn trở thành biểu tượng chung cho ước nguyện hòa bình của Nhân dân Quảng Trị, dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Nhân dịp này, giải đua thuyền truyền thống thống nhất non sông đã diễn ra tại bến đua thuyền bờ Bắc, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Đây là dịp dịp để nhân dân, con em Quảng Trị trên mọi miền Tổ quốc, du khách trong và ngoài nước hướng về Quảng Trị cùng tham gia ngày hội và cổ vũ cho giải đua. Tham dự giải đua thuyền năm nay có 7 đội thuyền nam, 4 đội thuyền nữ, 6 đội thuyền hỗn hợp thi đấu ở 5 nội dung.