Chọn phương án nào?Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Về mô hình chính quyền địa phương, cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu. Bên cạnh Trưởng đặc khu có Hội đồng đặc khu, thực hiện chức năng giám sát. Nhân dân, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng tham gia giám sát Trưởng đặc khu.
Phương án 2: Quốc hội quyết định thành lập đặc khu. Tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm HĐND và UBND.
|
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu ý kiến. |
Theo ban soạn thảo, phương án 1 đột phá, song lại có thể dẫn đến lạm quyền nếu không giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Trong khi đó, phương án 2 chưa tạo được bước đột phá, chưa tương thích với tính chất đặc biệt của đặc khu.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đã là đặc khu kinh tế hành chính đặc biệt thì phải có những cơ chế đặc biệt khác hẳn những địa phương khác. Vì vậy, dự án Luật cần có một cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho đặc khu phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, ĐB Thạch (Phước Bình) cho rằng tính tự chủ, tự quản là linh hồn, vì thế không nên hành chính thuộc tỉnh, mà nên thuộc Chính phủ và được phân cấp từ Chính phủ và tỉnh, người đứng đầu có thể phân quyền từ Chính phủ và các bộ ngành, tỉnh. ĐB này ủng hộ mô hình trưởng đơn vị hành chính đặc biệt vì có đột phá. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nhiệm vụ có đột phá về giao thẩm quyền. Việc giám sát cần theo dõi thêm, vì chưa thấy rõ trách nhiệm.
Phải có cơ chế kiểm soát quyền lựcĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, khi đã hình thành một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (không chỉ là khu hành chính thông thường), cần đề cao tính tự quyết và khác biệt của địa phương đó so với những đơn vị hành chính khác trong cả nước, nghĩa là phải có sự độc lập và cơ chế đặc biệt. Theo ĐB, việc giao quyền cho địa phương là cần thiết nhưng phải có một cơ chế kiểm soát có hiệu quả để đặc khu kinh tế phát triển bền vững.
Nếu ban hành được cơ chế có hệ thống kiểm soát tốt như vậy, sẽ phát huy được năng lực, khả năng của địa phương, nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định trong tầm kiểm soát vì mục tiêu chung của quốc gia. "Giao cho địa phương nhưng không có nghĩa là khoán trắng, mà cơ chế giao như thế nào để không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu địa phương, mà phải đứng trên quan điểm của cả cộng đồng", ĐB khẳng định.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) ủng hộ quan điểm là tinh gọn nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. “Một phương án thì không có HĐND, một phương án thì như HĐND hiện tại, không đột phá”. Ông đề xuất tổ chức Hội đồng đặc khu gồm có nhiều chuyên gia về đô thị, giao thông… Hội đồng này do Quốc hội phê duyệt và thực hiện việc giám sát một cách hiệu quả.
Đồng thời cũng phải nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế giám sát. Một người có nhiều quyền hạn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không lồng lợi ích cá nhân.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết đồng tình với phương án đặc khu không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị nghiên cứu phương án đột phá như bầu cử trực tiếp, tranh cử đối với chức danh trưởng đặc khu.