Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh cãi vì Quả bóng vàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lần nữa, danh hiệu được các cầu thủ mong chờ nhất trong năm là Quả bóng vàng lại khiến làng bóng đá nổi sóng tranh cãi.

Người thì ủng hộ danh hiệu dành cho đội trưởng Bình Dương Nguyễn Anh Đức. Ý kiến khác thì cho rằng, Văn Quyết, Công Vinh xứng đáng hơn, và những tranh cãi này sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày nữa,

Không lên Tuyển vẫn được vinh danh

Lần đầu tiên trong lịch sử, chủ nhân của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam không chơi bất cứ trận nào cho Đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Anh Đức đã giã từ ĐTQG từ năm 2014 để tập trung thi đấu cho Bình Dương. Trong khi đó, 2 cầu thủ thi đấu nổi bật nhất trong màu áo ĐTQG năm 2015 là Nguyễn Văn Quyết và Lê Công Vinh chỉ giành được Quả bóng bạc và Quả bóng đồng. Đây cũng chính là lý do khiến danh hiệu dành cho Anh Đức không thật sự thuyết phục. Bởi lẽ, một trong những căn cứ để dư luận đánh giá về sự đóng góp của một cầu thủ là màn trình diễn ở ĐTQG.
Cầu thủ Nguyễn Anh Đức.
Cầu thủ Nguyễn Anh Đức.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Anh Đức giành danh hiệu Quả bóng vàng là có cơ sở. Tiền đạo này đã có một năm không thể quên cùng Bình Dương: Vô địch giải Vô địch quốc gia và Cúp quốc gia. Anh Đức chính là đội trưởng, cầu thủ không thể thay thế ở Bình Dương. Chưa hết, Anh Đức còn có thêm điểm cộng chính là sự trung thành với Bình Dương trong một môi trường đầy toan tính ở V.League.

Cùng với đó, giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc cũng khiến nhiều người phải tranh luận: Công Phượng được vinh danh, còn Duy Mạnh từng được bầu là xuất sắc nhất V.League lại về nhì. Trong khi Công Phượng mờ nhạt tại HAGL, chưa có chỗ ở ĐTQG thì Duy Mạnh giành HCB cùng Hà Nội T&T và là lựa chọn số 1 của ông Miura ở ĐTQG.

Phải cụ thể hóa tiêu chí

Nhiều người nói rằng, Anh Đức, Công Phượng được bầu chọn không phải vì xuất sắc hơn các cầu thủ khác, mà bởi họ có nhiều ủng hộ viên. Sự cảm tính và nhiều yếu tố khác đã quyết định lá phiếu của người bầu chọn. Tất nhiên, phải nhấn mạnh là sự tranh cãi luôn đồng hành ở các cuộc bầu chọn. Ngay cả những giải thưởng danh giá nhất thế giới cũng khiến dư luận bị chia rẽ vì Ronaldo hay Messi... Nhất là trong bối cảnh ứng viên không thật sự nổi bật thì sự tương đối của kết quả bầu chọn là điều khó tránh khỏi.

Có ý kiến đề xuất, để những danh hiệu tôn vinh các cá nhân xuất sắc không gây phản ứng trong dư luận, đòi hỏi nhà tổ chức phải cụ thể hóa tiêu chí bầu chọn. Bên cạnh việc liệt kê những thành tích của các ứng viên thì Ban tổ chức giải thưởng cần đặt ra những nguyên tắc trong bầu chọn. Ví dụ như ứng viên cần phải tham dự ĐTQG, có những hành vi đẹp trên sân cỏ... Đặt ra những tiêu chí này không chỉ giúp cho cuộc bầu chọn có thêm sức thuyết phục, mà bản thân các cầu thủ cũng phải có ý thức hơn trong việc cống hiến cho màu áo quốc gia và giữ gìn hình ảnh bản thân mình. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng cần quy định đối tượng được phép bỏ phiếu bầu chọn và đó phải là những người thật sự hiểu về từng ứng viên.