Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tranh chấp bản quyền - làm gì để bảo vệ tài sản trí tuệ?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian vừa qua, không ít các vụ tranh chấp nhãn hiệu xảy ra, kéo dài và gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc đoàn Luật sư Hà Nội) đã có những trao đổi với Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về thực trạng vi phạm quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh trong toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền SHTT trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu trogn quan hệ kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo vệ quyền SHTT, chống sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng xâm phạm SHTT ở nước ta hiện nay vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp, gây thiệt hại cho DN lẫn người tiêu dùng.

Đặc biệt, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, việc vi phạm bản quyền trên nền tảng số ngày càng diễn ra phức tạp. Việc đăng ký bản quyền ở Việt Nam tuân theo quy tắc "người nộp đơn đầu tiên" chứ không phải người sử dụng đầu tiên. Do đó, những người nộp đơn đăng ký đầu tiên sẽ được quyền ưu tiên, cho dù tên mà họ đăng ký bảo hộ là của người khác.

Trong khi đó, các streamer, youtuber... những người thường xuyên hoạt động trên nền tảng số lại chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ tên của mình. Từ đó, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp bản quyền thương hiệu giữa chủ nhân thực sự của tên thương hiệu và người đã đăng ký bảo hộ tên thương hiệu đó.

Luật Sở hữu trí tuệ ra đời từ năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009, tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở nước ta vẫn chưa thực sự có hiệu quả, các vụ việc vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Theo Luật sư, nguyên nhân là vì sao?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng vi phạm SHTT ngày một gia tăng. Trước hết, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho các đối tượng xâm phạm. Trong khi, người tiêu dùng vẫn chưa thể phân biệt được hàng giả - hàng thật, do đó, không có sự sàng lọc trong việc tiêu dùng. Các chủ sở hữu quyền SHTT chưa nhận thức được một cách toàn diện việc bảo vệ quyền SHTT của mình. Các quy định về SHTT và hành vi xâm phạm SHTT còn chưa tập trung, mà rải rác trong quá nhiều văn bản và chưa thật sự đầy đủ.

Trên thực tế, tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý, khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện, có tới 6 loại cơ quan (UBND các cấp, thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra văn hóa, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan) cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Hiện nay, đang có cuộc tranh chấp về tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam
Hiện nay, đang có cuộc tranh chấp về tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam

Theo quy định của Luật SHTT, việc đăng ký bản quyền ở Việt Nam dựa theo nguyên tắc người nộp đơn đầu tiên sẽ được quyền ưu tiên. Vậy, theo luật sư, quy định của Luật SHTT còn có những bất cập gì?

Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản là: Kế thừa có chọn lọc, bổ sung các quy định còn thiếu, các quy định mới về SHTT đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật SHTT và giữa các quy định liên quan đến SHTT của các ngành luật khác; đảm bảo sự tương thích giữa các quy định SHTT của Việt nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các Hiệp định song phương, đa phương khác mà Nhà nước ta đã ký kết; đảm bảo các quy định về quyền SHTT phù hợp với điều kiện của Việt nam. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng những quy định của pháp luật hiện hành về SHTT vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Thứ nhất: Khoản 4-Điều 19 của Luật SHTT quy định tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quy định này dễ gây hiểu nhầm, bởi theo đó, tác giả chỉ có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi hành vi đó gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả, còn nếu không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì “vô tư”. Vì vậy, tình trạng cắt xén nội dung tác phẩm của các tác giả để biến tấu thành sản phẩm “trí tuệ” của chính mình đang diễn ra tương đối nhiều.

Thứ hai: Khoản 1- Điều 20 của Luật SHTT có quy định về quyền tài sản. Tuy nhiên, những quy định của Luật SHTT rất chung chung, cần phải được cụ thể hơn nữa trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Hơn nữa, trong các quyền tài sản mà nhà làm luật liệt kê tại Điều 2 của Luật SHTT, theo tác giả còn thiếu cũng có ý nghĩa là quyền tài sản trong lĩnh vực SHTT, đó là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Thực ra, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một cách thức truyền đạt tác phẩm tới công chúng, cho nên, không nhất thiết phải tách ra quy định thành một quyền riêng.

Thứ ba: Điều 213 của Luật SHTT quy định hàng hoá giả mạo về SHTT, theo đó, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hàng hoá là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ nhãn hiệu hoặc của cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý. Thuật ngữ “khó phân biệt” có phải là “tương tự” không? Hơn nữa, Điều 213 của Luật SHTT có tên gọi là “Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ” nhưng khoản 1 của Điều 213 luật SHTT lại quy định rằng “hàng hoá giả mạo về SHTT theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý”. Vậy nếu hàng hoá được sản xuất theo quy trình đã được bảo hộ là sáng chế có phải là hàng hoá giả mạo về SHTT hay không?

Trước những bất cập trên, Luật SHTT cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung gì để phù hợp với điều kiện thực tế, thưa luật sư?

Trước hết, cần phải nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của SHTT, phải coi SHTT là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế. Hơn nữa, hoàn thiện pháp luật SHTT là điều bắt buộc các quốc gia phải thực hiện trong tiến trình hội nhập quốc tế. Từ những hạn chế vừa nêu, Luật sư đề xuất vài kiến nghị sau:

Một là, cần sửa đổi quy định hiện hành thành tác giả có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt, lắp ghép hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào”.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về SHTT và xử lý vi phạm SHTT cho phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu thực tế hiện nay. Hiện nay, các quy định về các tội xâm phạm quyền SHTT tuệ vẫn còn các điểm yếu, dẫn đến hiệu quả thực thi còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền SHTT một cách đầy đủ. Đây là một trong những bất lợi của Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chủ sở hữu, thông qua các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện tội phạm, kiên quyết xử lý đúng pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết. Nâng cao hơn nữa vai trò của tòa án trong việc xét xử nghiêm minh các hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền SHTT. Đồng thời, tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách về SHTT, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vất chất kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với kinh nghiệm làm Luật sư lâu năm, ông có những khuyến nghị gì cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ tài sản trí tuệ, thương hiệu của mình?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc đăng ký nhãn hiệu không phải là nghĩa vụ bắt buộc. Thế nhưng trên thực tế, việc đăng ký nhãn hiệu lại vô cùng quan trọng. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và các vấn đề xoay quanh lĩnh vực này không chỉ những người nổi tiếng cần quan tâm mà bất cứ cá nhân, tổ chức nào khi tiến hành kinh doanh, sản xuất thì đều phải cân nhắc đến. Việc đăng ký bảo hộ này không chỉ giúp ích cho chủ đơn, mà còn bảo vệ cả người tiêu dùng, người hâm mộ và tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thiện chí. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp là cơ sở pháp lý để cá nhân, tổ chức độc quyền khai thác mọi lợi ích thương mại đối với thương hiệu, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chống lại các hành vi xâm hại nhãn hiệu. 

Vì vậy, để tránh không rơi vào tình trạng bị mất nhãn hiệu, cá nhân, tổ chức cần nhanh chóng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm nhất có thể. Đây là việc làm cần thiết, giúp ích trong quá trình hoạt động lâu dài.

Đặc biệt, trong suốt quá trình đăng ký, cá nhân, tổ chức phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện khi có bên thứ ba đăng ký tên nhãn hiệu của mình thì chủ sở hữu có thể yêu cầu họ rút đơn đăng ký, làm công văn phản đối cấp gửi Cục SHTT xem xét để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bản thân.

Xin cảm ơn luật sư!