Tranh chấp chia thừa kế, nên hoà giải thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giải quyết các vụ án chia thừa kế “thấu tình, đạt lý”, vừa đảm bảo quyền lợi cho các người thừa kế, vừa giữ gìn, hàn gắn được tình cảm gia đình, các bên nên hướng tới việc giải quyết tranh chấp chia thừa kế bằng phương thức hòa giải.

Hòa giải - Giải quyết triệt để mâu thuẫn

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, dưới góc độ luật pháp, việc chia tài sản thừa kế tưởng chừng như rất đơn giản, chỉ là việc xác định rõ di sản thừa kế, hàng thừa kế, công sức tôn tạo, xây dựng và các yếu tố liên quan và tiến hành chia theo di chúc hoặc theo pháp luật. Nhưng diễn biến thực tế ngoài xã hội lại khác rất nhiều, có nhiều vụ chia thừa kế rất phức tạp, tranh chấp kéo dài, không ít vụ xảy ra tình đâm, chém, giết người như vụ án đốt chết ba mẹ con xảy ra ở Hưng Yên thời gian vừa qua.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối

Các vụ án chia thừa kế thể hiện luôn phức tạp khi vừa phải chia tài sản sao cho “công bằng” giữa các thành viên vừa giải quyết đảm bảo được yếu tố kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Sự công bằng ở đây cũng chưa hẳn là việc chia đều di sản thừa kế theo như quy định pháp luật mà còn xét ở khía cạnh hoàn cảnh gia đình, yếu tố tâm lý trọng nam, khinh nữ, công sức nuôi dưỡng người để lại di sản, trách nhiệm thờ cúng và công sức tôn tạo của người quản lý tài sản…

Hậu quả sau khi giải quyết các vụ án chia thừa kế nhiều khi cũng dẫn đến việc chia cắt, ly gián tình cảm, anh em bất hòa, đổ vỡ tình cảm, thậm chí dẫn đến cả việc đâm giết nhau để tranh giành tài sản.

Vì vậy, để giải quyết vụ án chia thừa kế “thấu tình, đạt lý” vừa đảm bảo quyền lợi cho các người thừa kế, vừa giữ gìn, hàn gắn được tình cảm gia đình thì các bên nên hướng tới việc giải quyết tranh chấp chia thừa kế bằng phương thức hòa giải. Điều này vừa giải quyết triệt để mâu thuẫn, vụ án kết thúc không bị kéo dài và hạn chế tối đa tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian cho các đương sự.

Tìm hiểu nguyên nhân, động cơ phát sinh tranh chấp chia thừa kế

Điều này cũng giống như người bác sĩ khi “bắt đúng bệnh, kê thuốc đúng” sẽ giúp cho việc điều trị bệnh sớm bình phục, khỏi bệnh. Trong các vụ án chia thừa kế cũng vậy, chúng ta tìm hiểu được rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích phát sinh tranh chấp cũng sẽ giúp cho việc giải quyết đúng trọng tâm, có hướng giải quyết rõ ràng và tập trung tháo gỡ chính mâu thuẫn để giải quyết triệt để vụ án. Vậy thì nguyên nhân, động cơ, mục đích phát sinh tranh chấp thừa kế có thể phát sinh từ đâu?

Khi xã hội ngày càng phát triển, giá trị tài sản thừa kế thường có giá trị rất lớn, nhiều loại tài sản và ở nhiều nơi, địa điểm khác nhau. Cùng với đó các chuẩn mực đạo đức, giá trị nhăn văn, tình người của con người có xu hướng thay đổi theo hướng chú trọng hơn vào giá trị vật chất và coi nhẹ yếu tố gắn kết gia đình như máu mủ, họ hàng, tình cảm thân thiết trong gia đình. Nhiều người trở nên tham lam, ích kỷ, vụ lợi hơn và tìm mọi cách sở hữu, chiếm được nhiều tài sản nhất có thể, thậm chí không từ mọi thủ đoạn để độc chiếm tài sản.

Tranh chấp chia thừa kế, nên hoà giải thế nào? - Ảnh 1

Có nhiều vụ án điểm xuất phát từ hành vi vi phạm các nghĩa vụ về thờ cúng, trông coi tài sản hoặc vi phạm nghĩa chăm sóc cha/mẹ còn sống của người được chỉ định nuôi dưỡng, chăm sóc. Các hành vi vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của người quản lý tài sản, gây bức xúc, ức chế cho những người thừa kế khác, dòng họ. Hoặc các hành vi liên quan ứng xử, sự thiên vị về tình cảm, chia tài sản của bố hoặc mẹ khi còn sống khiến cho các thành viên khác trong gia đình bức xúc.

Để có thể hòa giải được tranh chấp chia thừa kế cần phải làm gì?

Thực tiễn quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp chia thừa kế, để có thể hòa giải, hóa giải được mâu thuẫn, chia tài sản trong các vụ án chia thừa kế không hề đơn giản. Các vụ án có thể diễn ra từ lâu, thời gian phát sinh mâu thuẫn kéo dài dẫn đến việc các bên khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế. Đây là giai đoạn đỉnh điểm của mọi mâu thuẫn, các bên không còn tin tưởng, không chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của đối phương và luôn trong trạng thái căng thẳng, đối đầu nhau. Do đó, để có thể hóa giải được mâu thuẫn cũng nên tìm hiểu, nắm rõ quy định pháp luật về chia thừa kế, quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết nên tập trung, lưu ý những vấn đề sau:

Tìm những điểm chung, dễ thống nhất

Điều này cũng giảm bớt mâu thuẫn, tranh chấp của các bên. Những yếu tố mang tính chất “rõ ràng” các bên đã “thừa nhận” và thống nhất thì tranh thủ thỏa thuận, thống nhất các bên. Mặc dù mâu thuẫn rất lớn, nhưng có nhiều yếu tố chung về tình cảm, quan điểm cần được ghi nhận, không nên làm phức tạp hóa, hay cứ nhất thiết phải gộp lại để giải quyết tổng thể. Chia nhỏ mâu thuẫn, chia nhỏ vụ án để giải quyết là cách dễ tìm được điểm chung để hòa giải.

Trong nhiều vụ án, nếu tìm được điểm chung mấu chốt để hòa giải được vụ án thì tập trung vào điểm này, thống nhất nhanh nhất có thể, hướng các bên tập trung điểm này trước để hòa giải. Hạn chế, việc lan man, đưa quá nhiều điểm không liên quan, mang tính chất tình cảm, cảm xúc làm cho các thành viên dễ thay đổi quan điểm.

Tìm người có tiếng nói, có thể hàn gắn

Trong gia đình thường có thể chia làm 3 phe khác nhau, dạng như phe chống đối, phe thuận, và phe trung gian. Trong các vụ án cố gắng tìm kiếm xem người nào có tiếng nói có trọng lượng để kết nối, tập hợp các thành viên hoặc đứng ra hòa giải. Người này cần hội tụ yếu tố như khách quan, có tiếng nói, có thể tiếp xúc được tất cả các bên và có trình độ, hiểu biết pháp luật tương đối.

Lựa chọn thời điểm thích hợp để hòa giải

Có những thời điểm nếu nhạy bén chúng ta có thể nắm bắt được thời điểm thích hợp để hòa giải, khi các bên có “hơi hướng” và mong muốn để hòa giải. Nếu kịp thời nắm bắt thời điểm thích hợp vụ án có thể hòa giải rất nhanh.

Biết cách lái dư luận, quan điểm mọi người vào những nội dung có thể hòa giải, nếu nhận thấy có bất cứ lời lẽ, cảm xúc của người tham gia có dấu hiệu làm xấu đi tình trạng hòa giải thì có thể hướng tâm lý, câu chuyện họ đến những vấn đề tích cực, tránh để các bên chỉ vì “lời nói” mà kích bác, cãi nhau.

Có thể trong quá trình tố tụng ở tòa, hoặc có thể tại phiên xét xử, nếu biết nắm bắt cơ hội thì chúng ta hoàn toàn có thể hòa giải tranh chấp chia thừa kế được.