Tuy nhiên, phân tích kỹ thực trạng trên thị trường hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh báo, rất dễ rơi vào tình trạng hình thức nếu không có những chỉ đạo quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đối tượng được giảm không mới
Đi đầu trong động thái hạ lãi suất là các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối. Đơn cử, Vietcombank công bố hạ trần lãi suất vay xuống chỉ còn 10%/năm; BIDV giảm 0,5% lãi suất vay với khách hàng tốt và giữ mức 10% với lãi suất trung, dài hạn; Agribank áp dụng chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ và hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm; trung dài hạn còn 8%/năm hỗ trợ tín dụng cho ngư dân, nông dân miền Trung đối mặt rủi ro cá chết hàng loạt…
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, đây đều nằm trong các lĩnh vực của các gói ưu đãi lãi suất đã có từ trước theo chủ trương của Chính phủ và NHNN như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao... Ngoài ra, đối tượng được các ngân hàng ưu đãi phải là những dự án được đánh giá là tốt. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại không mấy mặn mà với động thái giảm lãi suất cho DN. Các chương trình mới tung ra chủ yếu nhắm vào tín dụng tiêu dùng, cho vay bất động sản vốn đã thực hiện bấy lâu nay. Đơn cử, với khách hàng mua căn hộ tại các dự án chung cư cao cấp Aqua Spring và Oriental Westlake, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất 0%/năm trong 12 tháng đầu của kỳ hạn vay kể từ ngày giải ngân. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ cho các mục đích như: Bổ sung vốn lưu động; đầu tư tài sản cố định; mua/hoàn tiền mua xe ô tô; tiêu dùng... với mức lãi suất ưu đãi cố định từ 4,98% trong 3 tháng đầu, 6,98% trong 6 tháng đầu và 7,98% trong 12 tháng đầu.
Không chỉ là mệnh lệnh thị trường
Nếu có dư địa giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ đồng loạt vào cuộc mạnh mẽ, nhưng thực tế không lạc quan như vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Theo phân tích của ông Hiếu, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trong vòng hơn một tháng trở lại đây, thì rất khó để họ hạ lãi suất: “Các ngân hàng có vốn của Nhà nước dư khả năng hạ lãi suất, bởi chi phí vốn thấp do nguồn tiền gửi không kỳ hạn từ các tập đoàn, tổng công ty có vốn của Nhà nước lớn. Tuy nhiên, tại các ngân hàng tầm trung, nhỏ do phải huy động vốn cao hơn, trích lập dự phòng rủi ro lớn… khiến lãi suất cho vay ra khó có thể giảm mạnh”.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, rất nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động khá cao thời gian vừa qua. Đơn cử, PVcombank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm; VPBank áp dụng lãi suất 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng lại đồng thời tung ra chương trình huy động chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất tới 7,6%/năm (chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng). Thậm chí, một số ngân hàng như Eximbank còn huy động với mức lãi suất cao nhất tới 8%/năm.
Bên cạnh đó, lạm phát năm nay được dự đoán ở mức 5%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,63% của năm ngoái, bất động sản đang có chiều hướng tăng nóng, các ngân hàng rất khó để hạ lãi suất huy động đầu vào vì e ngại mất khách trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Lãi suất huy động không hạ, sẽ không có cơ sở để ngân hàng hạ lãi suất cho vay một cách thực chất và bền vững.
Giải pháp nào để có thể hạ lãi suất đầu ra, gỡ khó cho DN theo quy luật vận động của thị trường thay vì tuân theo mệnh lệnh hành chính và được thực hiện một cách hình thức? Giới chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải bắt đầu từ chính sách vĩ mô của NHNN như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiêm việc áp trần lãi suất huy động, giảm tỷ trọng mua trái phiếu hoặc tăng cung tiền ra lưu thông... Đặc biệt quan trọng là hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thay vì chạy vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, tiêu dùng... như hiện nay. Thực tế thị trường cho thấy, thời gian qua dù tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng tăng mạnh nhưng “cầu” tín dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rất yếu, các ngành xuất khẩu thủy sản, dệt may… tăng trưởng thấp trong quý I. Nếu tiền không tạo ra sản phẩm mà chỉ chạy lòng vòng, hệ lụy “bong bóng” sẽ tái diễn và nợ xấu sẽ trở lại.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
|