Tranh luận quanh vấn đề trang thông tin điện tử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/2, tại Phiên họp thứ 45, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung còn...

Kinhtedothi - Sáng 18/2, tại Phiên họp thứ 45, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật báo chí (sửa đổi). Vấn đề có đưa các trang thông tin vào phạm vi điều chỉnh của Luật hay không là một nội dung còn những quan điểm khác nhau.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình UBTV Quốc hội quanh phạm vi điều chỉnh của Dự Luật cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật. Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật; còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh. 

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Kso Phước cho rằng, việc lấy thông tin trên trang mạng đang diễn ra rất nhiều, nhưng Dự Luật lại bỏ trống. Ít nhất phải thực hiện được chức năng quản lý nhà nước với mạng xã hội trong nước. Nếu không ra được, Luật chỉ đạt được 40% quản lý nhà nước về báo chí. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng băng khoăn: Tại sao lại đưa trang thông tin ra khỏi sự quản lý của Luật, mà chỉ quản lý bằng Nghị định.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng: Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí và quan điểm là không tư nhân hóa báo chí. Báo chí ngoài hoạt động theo Luật, còn hoạt động theo sự chỉ đạo lãnh đạo của Đảng như giao ban báo chí hàng tuần là do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo tổ chức. Luật báo chí này quản lý các loại hình báo chí do tổ chức, đơn vị nhà nước thành lập và quản lý, không có tư nhân. 

Việc không đưa truyền thông xã hội vào vì đã có Nghị định về truyền thông xã hôi và các trang thông tin ngoài báo chí quản lý. Nếu đưa vào đây, vô hình chung có thể hiểu đây cũng là một loại hình báo chí. Có thể sau này sẽ đề nghị nâng Nghị định thành Luật để quản lý các loại hình thông tin không phải báo chí.

Sau giải trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề xuất, việc quản lý trang thông tin điện tử do hai Nghị định quản lý, Bộ TT&TT nên rà soát lại các Nghị định này để xem những nội dung gì hạn chế quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin để đưa vào Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, trang thông tin đang là trào lưu của xã hội. Quản lý bằng Nghị định cũng được, nhưng đụng chạm đến quyền tự do ngôn luận là không được. Nếu nói là đã có Nghị định rồi Luật không “bao” vùng ấy nữa, và cho rằng vùng ấy không phải là báo chí nên không quản lý thì không ổn. Quản lý không phải là cấm đoán, vẫn tạo môi trường, nhưng phải chỉ rõ những điều cấm. Cấm gì phải nói rõ thêm. Cố gắng đào sâu, suy nghĩ tính thêm về vấn đề này. Không nên tính đến việc Dự luật đã chỉnh lý đến lần thứ 19 lần. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cố gắng đào sâu suy nghĩ, giải quyết những vấn đề đất nước đang vướng mắc.