Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP về lĩnh vực này đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi.
Trong đó, việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý. Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng...) đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi. Biện pháp quản lý đối với hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn…
Để hệ thống pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị định là cần thiết và hợp lý hơn việc xây dựng luật, pháp lệnh.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm: Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hợp lý vì liên quan đến việc người dân tiếp cận với các hoạt động văn hóa và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, Nghị định 79 đã thực hiện được 8 năm nay nhưng Chính phủ chưa có sự tổng kết, đánh giá để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Luật hay Pháp lệnh để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hơn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban đánh giá cao Dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính, tuy nhiên, việc cắt giảm cấp giấy phép cho cá nhân ra nước ngoài biểu diễn, giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng nhìn vào việc cấp giấy phép thực tế là chuyển sang văn bản chấp thuận. Thực tế đây là 2 hình thức khác nhau để quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chứ không phải là hoàn toàn cắt giảm thủ tục hành chính như đề cập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc ban hành Nghị định dựa trên Nghị định cũ, có sự cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có sự quản lý chặt chẽ những hoạt động biểu diễn lệch lạc, chạy theo thị hiếu, cơ chế thị trường, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Những nội dung, hoạt động biểu diễn không đẹp liên quan đến vùng đồng bào dân tộc, hình ảnh về người phụ nữ được coi là “chân dài” cần phải được loại bỏ. Những nội dung bị cấm được quy định tại Điều 3 của Dự thảo Nghị định cần phải có chế tài xử lý nghiêm.
Đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không đồng thuận theo ý kiến đa số của Chính phủ là phân cấp cho UBND tỉnh được phép phê duyệt mà cần có sự kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp.
Liên quan đến việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, Dự thảo Nghị định chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật nên cần làm rõ và có chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài cũng cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động biểu diễn ở ngoài đường phố, biểu diễn ở các đám cưới. Những cuộc thi người đẹp, người mẫu; các cháu nhỏ nhảy múa, hát các bài hát của người lớn cũng cần kiểm soát kỹ vì không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Đồng ý với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, người từ nước ngoài về Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật hay ngược lại phải có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ chứ không thể dựa vào Luật Xuất nhập cảnh vì đây là hoạt động liên quan đến văn hóa. Còn những hoạt động cấm biểu diễn cũng cần nêu rõ, chứ không nên đưa là không được hoạt động biểu diễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định, Dự thảo Nghị định, còn có những nội dung chưa rõ ràng, không còn phù hợp, vẫn tạo cơ chế xin - cho, phân cấp quản lý không rõ ràng. Liên quan đến hoạt động quản lý, cấp phép cho các cuộc thi người đẹp, người mẫu, việc phân cấp cho các địa phương cần phải có sự cẩn trọng vì liên quan đến quyền con người, Luật Dân sự, Luật Hộ tịch, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc sửa đổi Nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng...