Tạp chí Foreign Policy hôm 25/11 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng thông qua các nghị sĩ Đảng Dân chủ để loại bỏ những biện pháp trừng phạt đối với tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) khỏi Dự luật Ngân sách Quốc phòng nước này.
Theo Foreign Policy, hồi tuần trước các quan chức cao cấp Nhà Trắng, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn cấp cao về An ninh Năng lượng Amos Hochstein đã gọi điện cho một số nghị sĩ để hối thúc họ hủy bỏ nội dung sửa đổi dự luật Ngân sách Quốc phòng cho năm 2022, trong đó đề ra lệnh trừng phạt với các công ty liên quan đến Nord Stream 2.
Đây được cho là giải pháp để chính quyền Tổng thống Biden ngăn chặn việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty của Đức. Tuy nhiên, nguồn tin từ Foreign Policy cho hay động thái này đã vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội.
Những sửa đổi đối với ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tới bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 đã được 6 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đưa ra.
Giới phân tích cho rằng phản ứng của Nhà Trắng là có thể hiểu được. Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng việc áp các lệnh trừng phạt chống dự án Nord Stream 2 sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực cải thiện mối quan hệ với đồng minh Đức.
Mặc dù Washington nhiều lần chỉ trích dự án Nord Stream 2 sẽ khiến châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, song ông Biden đã cam kết với người Đức rằng sẽ không gia tăng áp lực với tuyến đường ống này trừ khi Moscoww "vũ khí hóa năng lượng".
Trước đó, hôm 22/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nộp một báo cáo lên Quốc hội để thực hiện lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Nord Stream 2. Báo cáo này nêu tên 2 tàu và 1 thực thể có liên hệ với Nga là Transadria Ltd, liên quan đến đường ống Nord Stream 2.
Transadria sẽ bị xử phạt theo PEESA và tàu của họ là Marlin sẽ được xác định là tài sản bị phong tỏa. Ngoại trưởng Blinken không nêu rõ tên của con tàu thứ hai được đề cập trong báo cáo, nhưng theo nguồn tin của Bloomberg thì con tài thứ hai là Blue Ship, thuộc về một tổ chức liên kết với chính phủ Đức.
Tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức chạy dưới Biển Baltic đã gây ra rạn nứt giữa Berlin và Washington. Một số quan điểm ở Đức cho rằng việc Mỹ phản đối dự án Nord Stream 2 hoàn toàn mang tính chất kinh tế và là nỗ lực buộc châu Âu mua LNG của Mỹ thay vì khí đốt của Nga./.