Tăng số vụ và thị trường điều tra
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong tổng số 259 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá (chiếm 55%), 38 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ.
Đáng quan ngại, hàng hóa của Việt Nam thường bị điều tra kép, tức là cùng một mặt hàng nhưng vừa bị điều tra chống trợ cấp, vừa vị điều tra chống bán phá giá. Riêng điều tra chống trợ cấp, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 5 vụ việc, mà Chính phủ là một bị đơn nên đòi hỏi phải trả lời rất nhiều câu hỏi.
Lý giải nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trương Thuỳ Linh cho biết: Việt Nam tham gia khá nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã mang lại lợi thế cho xuất khẩu với kim ngạch tăng mạnh, song lại là đối thủ cạnh tranh của các mặt hàng tương tự được sản xuất trong nước đó. Đặc biệt, với xu thế bảo hộ hiện nay, các nước sẽ sử dụng nhiều các biện pháp PVTM nhất là khi các FTA đã làm giảm hàng rào thuế quan xuống, không còn là công cụ bảo vệ.
Bên cạnh số lượng vụ việc ngày càng tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Đến nay, đã có 25 nước áp dụng các biện pháp PVTM với hàng hóa từ Việt Nam. Trong đó các nước sử dụng nhiều nhất là Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, Ấn Độ…
Cùng với đó, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…
Xu hướng điều tra khắt khe hơn, xu thế điều tra kép đang tăng dần lên. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).
Mặt khác, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng hơn, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, áp dụng các biện pháp mới gây khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam như trợ cấp xuyên quốc gia, thị trường đặc biệt.
Đơn cử như Mỹ, các biện pháp PVTM của nước này áp dụng chủ yếu là chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với ngành sản xuất trong nước của họ. Điều này dễ hiểu, bởi hàng năm Mỹ nhập siêu khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi Việt Nam lại là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thặng dự thương mại có xuất siêu sang Mỹ sau Trung Quốc và Mexico...
Nắm bắt xu hướng, chủ động ứng phó
Lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại tại Canada cho hay: khi bị vào tầm ngắm, các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng. Vì vậy, doanh nghiệp phải theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc PVTM liên quan đến mặt hàng mình sản xuất kể cả của các nước khác; khi bị điều tra, cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.
Để giúp các doanh nghiệp chủ động phòng tránh bị cáo buộc bán phá giá, lẩn tránh biện pháp PVTM, Thương vụ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện phổ biến Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách thức khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất… và vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu các sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thỏa mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác hiệu quả và bền vững các FTA.
Còn theo ông Trần Thế Cường - Tham tán Thương mại tại Indonesia, Việt Nam hiện đang nổi lên là trung tâm sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao nên Indonesia áp dụng các biện pháp PVTM để giảm sức hút của hàng hóa Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp thuộc những nhóm hàng trên cần theo dõi sát thông tin thị trường, chủ động tìm hiểu quy định liên quan đến PVTM của Indonesia. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực ứng phó với các biện pháp PVTM, trang bị những kiến thức về quy định PVTM của thế giới nói chung và Indonesia nói riêng để có kịch bản ứng phó với các vụ điều tra PVTM.
Trong khi đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng thông tin: Ấn Độ áp dụng mọi biện pháp PVTM với nhôm, thép nhập khẩu nhiều, vì nước này có tham vọng trở thành cường quốc sản xuất thép trên thế giới nên đẩy mạnh sản xuất thép trong nước.
Bên cạnh đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Ấn Độ tăng rất mạnh, cho dù trong 6 năm qua, Ấn Độ đã áp dụng nhiều biện pháp. Ngoài ra, có hiện tượng thép của Trung Quốc thông qua một số nước để nhập khẩu vào Ấn Độ dẫn tới các chính sách hạn chế nhập khẩu của nước này bị vô hiệu hóa.
“Doanh nghiệp cần hợp tác với cơ quan điều tra, còn nếu chỉ sử dụng những bằng chứng sẵn có thì rất bất lợi. Nếu thuê luật sư cần cập nhật thông tin phù hợp, tránh cung cấp hết thông tin cho họ, bởi họ có thể dùng thông tin đó đưa cho doanh nghiệp khác của Ấn Độ khởi kiện tiếp doanh nghiệp Việt Nam”- ông Bùi Trung Thướng khuyến cáo.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, bên cạnh vai trò của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, thì vai trò của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo sớm, cảnh báo từ xa các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trương Thuỳ Linh