70 năm giải phóng Thủ đô

Tranh tài tại Hội thi hòa giải viên giỏi Toàn quốc lần thứ IV năm 2023

Công Phương - Lê Mận - Khánh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi Toàn quốc lần thứ IV năm 2023.

Với hơn 80 nghìn tổ hòa giải được thành lập và hơn 500 nghìn hòa giải viên trên cả nước, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần thực chất trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, giảm bớt các vụ, việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Sáng 8/11, 14 đội thi đã tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2023. Ảnh: Khánh Huy.
Sáng 8/11, 14 đội thi đã tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2023. Ảnh: Khánh Huy.

Nhận thức sâu sắc vai trò, sự đóng góp quan trọng của đội ngũ hòa giải viên, những năm qua, việc bồi dưỡng kỹ năng, tăng cường năng lực cho đội ngũ này thông qua nhiều hoạt động khác nhau đã được các ngành, các cấp thực sự quan tâm. Trong đó, theo định kỳ 5 năm 1 lần, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc đã được tổ chức, tạo sân chơi bổ ích để các hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và giao lưu.

Năm 2023, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương quyết định tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Ban tổ chức Hội thi đã tổ chức 3 Vòng thi khu vực để tìm ra 14 đội thi xuất sắc bước vào Vòng thi toàn quốc, gồm Đội thi Hòa giải viên giỏi của các tỉnh, TP: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Ban tổ chức mong muốn, Hội thi là đợt sinh hoạt văn hóa, pháp lý nhằm phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống hằng ngày của người dân; tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước. Và đặc biệt, đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi phát biểu. Ảnh: Khánh Huy.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi phát biểu. Ảnh: Khánh Huy.

Phát biểu tại Hội thi, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết, hòa giải là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được sự thỏa thuận, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống, xã hội.

Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Với phương châm giải quyết “thấu tình, đạt lý”, hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Để những giá trị tốt đẹp của hòa giải ở cơ sở thực sự đi vào cuộc sống, chắc chắn phải nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực, đóng góp trực tiếp của đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, để biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở, tạo diễn đàn học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, đồng thời, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Việt Nam năm 2023, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội phát biểu tại Hội thi. Ảnh: Khánh Huy.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội phát biểu tại Hội thi. Ảnh: Khánh Huy.

Để tiến tới Vòng thi toàn quốc hôm nay, các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã tổ chức Hội thi từ cấp cơ sở và lựa chọn, cử đội thi tham gia Vòng thi khu vực đã được tổ chức trong thời gian vừa qua tại TP Hải Phòng, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Tây Ninh. Quá đó, đã lựa chọn được 14 đội thi xuất sắc vào Vòng thi toàn quốc.

Phát biểu tại Hội thi, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội chia sẻ, Hà Nội rất vinh dự và tự hào khi được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chọn là nơi đăng cai tổ chức cuộc thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, ngày hội tôn vinh hiến pháp, pháp luật về giá trị pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những người làm công tác pháp luật.

TP Hà Nội có gần 5.000 tổ hòa giải với hơn 32.000 hòa giải viên. Hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt là sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Trong 10 năm qua, các hòa giải viên trên địa bàn TP Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ án tranh chấp mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội, tỷ lệ hòa giải thành luôn cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn trật tự xã hội, hội nhập quốc tế vì Thủ đô bình yên, văn hiến, văn minh và hiện đại.

Đội thi đến từ TP Hà Nội tham gia phần thi giới thiệu. Ảnh: Khánh Huy
Đội thi đến từ TP Hà Nội tham gia phần thi giới thiệu. Ảnh: Khánh Huy

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV là dịp để biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, tạo cơ hội để các hòa giải viên học hỏi trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp lý, kỹ năng hòa giải. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống.

 

Trong ngày 8/11, lần lượt 3 nhóm đội thi gồm nhóm 1: Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, TP Hà Nội và TP Hải Phòng; nhóm 2: Đồng Tháp, Ninh Bình, Tây Ninh, Nghệ An và Đồng Nai; nhóm 3: Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk sẽ tham gia các phần thi giới thiệu, phần thi lý thuyết (thi hiểu biết, trả lời các câu hỏi) và thi tiểu phẩm (hòa giải khéo).