Tranh thủ láng giềng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong chuyến thăm Đông Nam Á lần thứ ba kể từ khi lại trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đến Singapore, Malaysia và Philipines. Nếu cộng gộp thêm vào cả cuộc gặp của ông Abe với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Singapore thì có thể thấy chủ đề nội dung về hợp tác kinh tế và về chính trị an ninh đều nổi bật như nhau trên chương trình nghị sự của ông Abe.

Thắng cử trong cuộc bầu cử Thượng viện mới rồi đã làm vị thế quyền lực của ông Abe trở nên rất vững chắc và giúp vị thủ tướng này có thể mạnh tay thực thi những quan điểm chính sách mà cho tới nay vẫn không dám vì vấp phải sự chống đối của phe đối lập. Trong số những vấn đề nhạy cảm ấy có chuyện xử lý quan hệ với Trung Quốc và đàm phán về thành lập các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, với Mỹ và EU.
 
 
Tranh thủ láng giềng - Ảnh 1

Có thể thấy mục tiêu của ông Abe với chuyến đi Đông Nam Á này là tranh thủ các nước trong khu vực. Trong hai chuyến đi trước, ông Abe đã thăm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Rất có thể ông Abe muốn định hình lại quan hệ của Nhật Bản với các nước ASEAN. Nhưng chắc chắc là ông Abe chủ trương tranh thủ các nước ở khu vực Đông Nam Á để có đối tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng đồng thời cũng còn cả trên lĩnh vực chính trị an ninh ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Về phương diện này, Nhật Bản hiện phải đối phó với thách thức an ninh từ phía Trung Quốc và Triều Tiên. Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á - như với Nhật Bản. Vì thế, tranh thủ các nước ở Đông Nam Á không chỉ có lợi, mà đã trở nên rất quan trọng và cần thiết đối với Nhật Bản. Có tranh thủ được thì mới có thể tập hợp được lực lượng, kéo bè thêm cánh và không để phân rẽ Nhật Bản với các nước này. Dựa vào Mỹ và tranh thủ láng giềng sẽ giúp Nhật Bản tăng đáng kể thế và lực ở khu vực.