Tranh vừa được đấu giá hơn 2 tỷ là “hàng nhái”

Minh Phúc (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bức “Phố cổ Hà Nội” trong cuộc bán đấu giá, được giới thiệu là bức tranh có khổ to nhất mà danh họa Bùi Xuân Phái từng vẽ, với kích thước 55cm x 72cm, chất liệu sơn dầu trên bố, nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh.

Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa Bùi Xuân Phái, bức tranh đạt giá cao nhất, 102.000 USD - "Phố cổ Hà Nội" của danh họa Bùi Xuân Phái, trong cuộc đấu giá một số tác phẩm nghệ thuật nhằm gây quỹ chữa chạy cho 1.000 trẻ em khiếm khuyết cơ quan sinh dục, tại Gem Center (TP Hồ Chí Minh) do Live To Love Viet Nam tổ chức mới đây là tranh nhái.

“Đó là bức tranh giả. Chỉ nhìn thôi đã đủ biết rồi. Tôi đã rất mệt mỏi với vấn nạn tranh giả của bố tôi. Nhưng không thể không lên tiếng vì như thế này, thế hệ sau sẽ không còn biết tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái thực sự là thế nào. Tranh của cụ hiện gia đình không còn giữ nhiều, nó đã là sở hữu của cộng đồng rồi. Nhưng tranh của cụ lại bị làm giả bởi những người không chuyên nghiệp mà lại bán giá cao trên thị trường là điều thực sự đáng buồn”- hoạ sĩ Bùi Thanh Phương khẳng định.

 Tác phẩm “phố cổ Hà Nội” của danh hoạ Bùi Xuân Phái tại buổi đấu giá tối 22/10, Gem Center TP HCM đạt giá hơn 2 tỷ đồng. Ảnh: Văn Bảy
Bức “Phố cổ Hà Nội” trong cuộc bán đấu giá, được giới thiệu là bức tranh có khổ to nhất mà danh họa Bùi Xuân Phái từng vẽ, với kích thước 55cm x 72cm, chất liệu sơn dầu trên bố, nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh.
Hiện tại, tranh của danh họa Bùi Xuân Phái trên thị trường đang nằm ở ngưỡng trung bình là 200.000 USD, vì vậy, giá 102.000 USD được bán ra, là sự đầu tư “hời” với người mua khi đạt được hai mục đích, tiền để chữa bệnh cho 1.000 trẻ em khuyết tật bộ phận sinh dục, nằm trong hồ sơ bệnh án của quỹ “Thiện Nhân và những người bạn” và hoàn toàn có thể là “vốn” tốt cho việc đưa bức tranh khổ lớn hiếm hoi của họa sĩ Bùi Xuân Phái ra thị trường tranh trong nước và quốc tế.
Khi tìm hiểu về bức tranh được bán đấu giá gây quỹ từ thiện này, không thấy nằm trong dữ liệu nào trong một số nghiên cứu về tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái. Thế nhưng, khi chính con trai hoạ sĩ Bùi Xuân Phái - họa sĩ Bùi Thanh Phương khẳng định đó là tranh giả, thì ý nghĩa về giá trị bức tranh đã không còn.
Có hai bức vẽ phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái, dù khung cảnh từa tựa nhưng bố cục hay nét vẽ hoàn toàn khác. Vì vậy, rất có khả năng bức tranh được vẽ mới chứ không phải là sao chép.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương.
Hoạ sĩ Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định bức tranh “Phố cổ Hà Nội” vừa được đấu giá tối ngày 22/10 tại TP.HCM là giả: “Bức tranh này không cần anh Bùi Thanh Phương lên tiếng, những ai trong nghề lâu năm đều thấy nó là giả! Dễ thấy nhất là các nét "contour" của bác Phái không bao giờ "đều đặn, thẳng thớm" như thế. Người nhái bức tranh này hoàn toàn không hiểu tình cảm và bút pháp của bác Phái khi vẽ những mái nhà "xiêu vẹo"... Cái xiêu vẹo, lô xô của bác Phái là ngẫu hứng có chủ ý bằng tay nghề điêu luyện, đường "contour" (đường viền quanh hình) của bác dày dặn và tình cảm.
Nét vẽ tình cảm không "tô" , không "kẻ"... nó "đi" một cách tự nhiên, "luyến láy" tự nhiên nhưng có chủ đích. "... mái ngói thâm nâu..." của phố cổ Hà Nội in sâu trong tâm hồn người Hà Nội, nó là màu thời gian đi theo người nghệ sĩ, vì vậy nó không phải là màu nâu đỏ. Người nhái bức tranh này chẳng những không có tình cảm gì với Hà Nội mà còn không hiểu gì về bút pháp của nghệ sĩ!
Một tranh “Phố Hàng Bạc” khác cũng được danh hoạ Bùi Xuân Phái vẽ vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Bác Phái thường vẽ tranh nhỏ (thậm chí rất nhỏ) một phần vì điều kiện vật chất, một phần vì tái hiện cảm xúc trên diện tích nhỏ nhanh hơn, dễ hơn... và một điều hiển nhiên, bác "vẽ" chứ không "tô màu" . Việc phủ màu lên, chạy theo cảm xúc, nên thường diễn ra nhanh, lấy màu từ pallette nhanh, do đó màu trên từng nhát cọ chẳng những không giống nhau mà còn "chồng lấn" lên nhau một cách tự nhiên, tạo ra một hòa sắc rất tình cảm. Đó chỉ là những nhận xét thoáng qua, khi chợt thấy "hàng giả", có thể phân tích sâu hơn nữa, nhưng không cần thiết, vì tranh đã bán! Rõ ràng, bức được mang ra đấu giá chỉ là một bức tô màu sao chép vụng về…”.
Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng: Bức "Phố cổ Hà Nội" giả có thể xếp vào mục tranh nhái, vì cái góc phố đó chưa bao giờ xuất hiện trong tranh Phái và chính tôi cũng lần đầu nhận ra khu phổ cổ Hà Nội đã từng có một góc như thế. Bức "Phố cổ Hà Nội” trong buổi đấu giá từ thiện gây quỹ Thiện Nhân trong tối ngày 22/10 tại Gem Centet vừa qua, đạt giá hơn 2 tỷ đồng. Tôi có thể dễ dàng khẳng định, đó không phải là tranh của cha tôi, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ, cho dù bên góc phải bức tranh có chữ ký "Phái". 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần