Trao 100 học bổng khuyến học, khuyến tài vùng dân tộc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/6, Hội Khuyến học và Ban Dân tộc TP Hà Nội phối hợp tổ chức lễ trao học bổng khuyến học, khuyến tài với chủ đề “Giúp bản làng hăng say học tập, để tài năng trí tuệ vươn xa” cho 70 em học sinh và 30 người lao động có thành tích trong học tập, sản xuất vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Thủ đô.

Vùng dân tộc và miền núi của Thủ đô gồm 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ với trên 12.000 học sinh các cấp. Những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài của 5 huyện miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, thúc đẩy phong trào học tập trong các nhà trường, khuyến khích người lao động có sáng kiến và thành tích trong lao động, sản xuất.
Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh phát biểu tại lễ trao học bổng.
100 học bổng được trao cho 70 gương học sinh vùng dân nghèo vượt khó học giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi và 30 gương người lao động sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi của Thủ đô.

Điển hình trong số đó có thể kể tới là em Nguyễn Phương Hiền (học sinh lớp 8 trường THCS Yên Bài A, huyện Ba Vì) khi bố mất sớm, mẹ vất vả nuôi 2 chị em. Dù vậy, em vẫn nỗ lực vươn lên học tập tốt, đạt giải Ba cấp huyện môn Lịch sử và Giải Khuyến khích môn tiếng Anh qua internet năm học 2016 - 2017. Hay em Hoàng Quỳnh Chi (học sinh lớp 3A1 trường Tiểu học Ba Trại, huyện Ba Vì), bố bị ung thư não, gia đình thuộc diện hộ nghèo, mẹ đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, nhưng Chi vẫn vượt khó vươn lên, nhiều năm liền là học sinh giỏi, 3 năm liên tiếp đạt giải trong kỳ thi giải Toán qua internet cấp trường…

Trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng dân tộc và miền núi của Thủ đô cũng xuất hiện nhiều tấm gương lao động nổi bật. Điển hình là gia đình bà Đinh Thị Thọ (huyện Quốc Oai). Hiện, gia đình bà Thọ sở hữu 2 trang trại gà với trên 8.000 con, 5 cặp bò cùng nhiều lợn nái, lợn thịt, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương. Hay ông Nguyễn Như Hiệp ở xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) có 40ha rừng cây ăn quả. Ông Hiệp nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đóng góp tích cực cho kinh tế tại địa phương và là điển hình gương mẫu có tinh thần học tập suốt đời…
Đại diện Ban Dân tộc và Hội Khuyến học TP Hà Nội trao quà cho các em học sinh vùng dân tộc và miền núi của Thủ đô có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện.
Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, để có được nguồn kinh phí triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài không thể không kể tới đóng góp rất tích cực của toàn thể cộng đồng. Tính riêng năm 2016, kinh phí khuyến học các cấp của toàn TP đạt trên 65 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí trên, hội khuyến học các cấp đã trao 6.939 suất học bổng cho các đối tượng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh thông tin thêm, năm 2016, toàn TP có 51% gia đình được công nhận là “Gia đình học tập”, 37% dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập”, 58% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận là “Cộng đồng học tập”. Nhìn chung, các chỉ tiêu xây dựng mô hình học tập do T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam giao đều vượt chỉ tiêu. Cũng theo lãnh đạo Hội Khuyến học TP Hà Nội, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, phấn đấu đến năm 2020, đưa Hà Nội trở thành “TP học tập” của cả nước.

Phát biểu tại lễ trao học bổng khuyến học, khuyến tài, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh gửi lời cảm ơn sự quan tâm của TP, đặc biệt là Hội Khuyến học Hà Nội trong công tác chăm lo giáo dục, cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Thủ đô. Ông Nguyễn Tất Vinh tin tưởng, đây sẽ là sự động viên, khích lệ lớn dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc, giúp các em học sinh, hộ dân tộc có thêm động lực vượt khó, vươn lên học tập, lao động sản xuất tốt. Qua đó, đóng góp ngày một tích cực cho sự phát triển chung của vùng dân tộc và miền núi Thủ đô.