Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII cho 48 tác phẩm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 29/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức Lễ trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII (2020 - 2021) cho 48 tác phẩm xuất sắc. Dự buổi lễ trao giải có Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Phát biểu tại lễ trao giải, KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2020 – 2021 cho biết, trong hệ thống giải thưởng của Nhà nước về lĩnh vực kiến trúc thì đây là giải thưởng chính thống có hàm lượng chuyên môn cao, lâu năm nhất.

Giải bao gồm các mặt: Quy hoạch xây dựng đô thị - nông thôn; Thiết kế đô thị; Thiết kế cảnh quan; Thiết kế công trình; Bảo tồn di sản; Nghiên cứu lý luận phê hình kiến trúc… Qua 12 kỳ giải thưởng, các tác phẩm đoạt giải đã có đóng góp đáng kể trong định hướng thẩm mỹ và kỹ thuật cho kiến trúc tại các TP lớn, các đô thị đang hình thành phát triển và cả những vùng quê xa xôi…

 Các tác giả nhận giải Vàng giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII đề cao tinh thần “Khai thác bản địa – Kết nối công nghệ”. Từ đó nhằm hướng tới tôn vinh các tác phẩm và tác giả có nhiều sáng tạo kiến trúc theo hướng hiện đại, hội nhập, gắn với phát huy bản sắc địa phương vùng miền, bền vững, thân thiện, nhân văn, mang lại tiện nghi thích ứng tốt nhất cho cộng đồng với hiệu quả đầu tư cao.

Kết nối công nghệ là một mặt chưa mạnh của kiến trúc Việt Nam khi hội nhập cũng được chú trọng khích lệ rõ ràng hơn so với các kỳ trước. Các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi số và xây dựng nền công nghiệp văn hóa cũng được Hội đồng giải thưởng đặt làm nền tảng rõ nét và quyết tâm hơn trong tiêu chí xem xét chấm giải kỳ này.

Hội đồng giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII với 21 thành viên là các chuyên gia đầu ngành đã làm việc nghiêm túc, khách quan, thận trọng, tỷ mỉ qua các vòng chấm kỹ lưỡng. Kết quả đã lựa chọn được 48 tác phẩm xuất sắc tiêu biểu trong tổng số 212 tác phẩm tham gia để trao giải gồm: Giải vàng: 5 tác phẩm (1 công trình nhà ở, 1 công trình công cộng 1 đồ án quy hoạch nông thôn, 1 thiết kế nội thất, 1 công trình do KTS nước ngoài thiết kế tại Việt Nam);

Giải bạc: 16 tác phẩm (2 công trình nhà ở, 12 công trình công cộng 1 tác phẩm lý luận phê bình kiến trúc, 1 công trình do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế tại Việt Nam); Giải đồng: 27 tác phấm (8 công trình nhà ở, 6 công trình công cộng, 1 công trình công nghiệp, 2 thiết kế nội thất, 1 đồ án quy hoạch, 7 ấn phẩm lý luận - phê bình, 2 công trình do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế tại Việt Nam).

  Các tác giả nhận giải Bạc giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII.

Ngoài ra, Hội đồng giải thưởng cũng quyết định trao tặng 3 Bằng chứng nhận cho các nhà đầu tư đã chọn lựa những thiết kế xuất sắc để đâu tư xây dựng; 2 Bằng khen cho kiến trúc sư trẻ dưới 35 tuổi đạt thành tích cao và 2 Bằng khen cho các đơn vị tích cực tham gia và đạt nhiều thành tích tại Giải thường kỳ này.

KTS Phan Đăng Sơn chia sẻ, những tác phẩm kiến trúc xuất sắc được trao giải lần này đã phản ánh sinh động, rõ nét hoạt động nghiêm túc, nhiệt huyết, giàu sáng tạo, đa dạng nhiều mặt của kiến trúc sư cả nước và cả kiến trúc sư quốc tế tại Việt Nam; Đồng thời thể hiện được trách nhiệm cùa KTS đối với sự nghiệp xây dựng đất nước.

  Các tác giả nhận giải Đồng giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hội Kiến trúc sư nhìn nhận, giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ XIII cũng còn một số tồn tại như: Có ít những tác phấm quy hoạch phản ánh được sâu thực tiễn phát triển; chưa nhiều những loại nhà ở và công trình công cộng phục vụ được đa đối tượng; thưa thớt thể loại công trình quy mô lớn cao tầng giao hòa tốt bản sắc và hiện đại; vắng tác phẩm nội thất mang chất Việt Nam đậm đà; chưa có những tác phẩm nghiên cứu lý luận trở thành hành trang làm nghề và lay động cộng đồng; kiến trúc công trình mang dấu ấn “hơi thở cuộc sống” thích ứng điều kiện tự nhiên theo yêu cầu hiện tại và tương lai còn ít…