Trao Quyết định của Thành phố về công tác nhân sự tại 4 xã: Gia Lâm, Phù Đổng, Bát Tràng, Thuận An
Kinhtedothi-Ngay sau lễ công bố quyết định triển khai đơn vị hành chính đến 126 xã, phường của TP Hà Nội, chiều 30/6, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đã đến dự, trao Quyết định của TP về công tác nhân sự tại 4 xã: Gia Lâm, Phù Đổng, Bát Tràng, Thuận An (huyện Gia Lâm cũ).
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn huyện Gia Lâm cũ được hình thành 4 đơn vị hành chính mới, gồm các xã: Gia Lâm, Phù Đổng, Bát Tràng, Thuận An.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên trao Quyết định về việc chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ xã Gia Lâm nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, xã Gia Lâm có diện tích tự nhiên 25,72km2, dân số 90.498 người; địa giới hành chính bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Dương Xá (Gia Lâm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Trâu Quỳ và xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Thạch Bàn (Long Biên) và các xã Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Sơn, Đa Tốn, Bát Tràng (Gia Lâm).



Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên trao các Quyết định về công tác cán bộ tại xã Gia Lâm.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Lâm Nguyễn Việt Hà (nguyên Bí thư Huyện ủy Gia Lâm) cho hay: với việc hình thành từ địa giới hành chính mới, xã Gia Lâm có hệ thống đường trục chính đô thị đã được đầu tư cơ bản như quốc lộ 5, đường Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường Thành Trung..., tạo điều kiện giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm TP và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, khu đô thị Vinhomes Ocean Park hiện đại, quy mô lớn nằm trong địa bàn xã đã và đang trở thành động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng trong khu vực, thu hút dân cư, dịch vụ và đầu tư..., tạo nền tảng thuận lợi để xây dựng mô hình đô thị hiện đại, văn minh và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo xã Gia Lâm.
Để chuẩn bị cho việc chính thức vận hành bộ máy hành chính mới từ ngày 1/7, bộ máy chính quyền xã Gia Lâm đã bước đầu được kiện toàn; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu và trang thiết bị phục vụ quản lý, điều hành cơ bản đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên trao Quyết định về việc chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ xã Phù Đổng nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Với một thế mạnh khác, xã Phù Đổng mới gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Yên Viên, các xã Yên Viên, Yên Thường, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Thiên Đức; một phần diện tích đất tự nhiên của xã Cổ Bi, Đặng Xá. Là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá, địa bàn xã lưu giữ 101 di tích lịch sử, văn hoá và 04 di tích cách mạng kháng chiến…



Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phù Đổng Đặng Thị Huyền (nguyên Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm), để chuẩn bị tâm thế cùng cả nước và TP Hà Nội bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7, xã Phù Đổng xác định tầm nhìn xa với những bước phát triển mới và những định hướng cụ thể. Theo đó, xã tiếp tục huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển xanh và bền vững; phát triển các cụm công nghiệp tập trung, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, dịch vụ logistics; xây dựng các khu đô thị hiện đại, sinh thái, thông minh, gắn với mô hình TOD (Transit-Oriented Development) có hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững, với đầy đủ các tiện ích xã hội... Cùng với đó, xã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hoá; định vị thương hiệu du lịch xứng tầm với giá trị của các di sản quốc gia và thế giới.

Lãnh đạo xã Bát Tràng nhận Quyết định từ Chủ tịch UBN TP Hà Nội về triển khai đơn vị hành chính cấp xã.
Nổi tiếng với làng nghề gốm sứ truyền thống nhưng chưa hết, xã Bát Tràng mới hiện có diện tích tự nhiên 20,86km2, dân số hơn 57.210 người, được hình thành trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Kim Đức (Gia Lâm), phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Bát Tràng, Đa Tốn (Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên, dân số của thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên, dân số của phường Cự Khối, phường Thạch Bàn (Long Biên). Xã có 26 thôn, trong đó 10 thôn thuộc xã Kim Đức (hiện nay), 11 thôn thuộc xã Bát Tràng (hiện nay), 5 thôn thuộc xã Đa Tốn (hiện nay).
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng mới Nguyễn Văn Quyến (nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND xã được sắp xếp tại trụ sở Đảng ủy- HĐND-UBND xã Bát Tràng hiện nay; trụ sở làm việc của UBND xã tại trụ sở Đảng ủy- HĐND-UBND xã Đa Tốn hiện nay... Mọi lĩnh vực, công việc đều được xã rà soát, lập danh mục hồ sơ để kiểm soát, thực hiện bàn giao, tiếp nhận theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Quyết định số 2902/QĐ-UBND ngày 12/6/2025.
Xã cũng đã hoàn thành việc bố trí sơ đồ các phòng làm việc cho cán bộ công chức viên chức, biển tên của trụ sở, các phòng làm việc… sẵn sàng chờ đón ngày chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7.

Lãnh đạo xã Thuận An nhận Quyết định từ Chủ tịch UBND TP Hà Nội về triển khai đơn vị hành chính cấp xã.
Xã thứ tư trên địa bàn Gia Lâm cũ là xã Thuận An. Theo sắp xếp, xã Thuận An mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã: Lệ Chi, Dương Quang; một phần diện tích tự nhiên, dân số các xã: Phú Sơn, Đặng Xá; có 45 thôn, tổ dân phố; tổng diện tích 2.965ha (trong đó có 94ha đất phát triển đô thị, còn lại 2.871ha đất khu vực nông thôn), dân số 76.460 người.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thuận An Trương Văn Học (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm) cho hay: cùng với các xã, phường của TP Hà Nội xã Thuận An đang triển khai, cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Ngay sau khi nhận quyết định công bố thành lập xã ngày 1/7, xã đã quyết tâm thực hiện các giải pháp đột phá, tạo động lực tăng trưởng mới nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025 và xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2026-2030 đạt tăng trưởng 2 con số; xây dựng kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2026-2030 và các kế hoạch chuyên ngành, lĩnh vực giai đoạn 2026-2030 gắn với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội làm việc với huyện Gia Lâm về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Kinhtedothi - Ngày 23/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 (Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội) và các thành viên trong tổ làm việc với huyện Gia Lâm, nắm bắt tình hình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.

HĐND huyện Gia Lâm: không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Kinhtedothi - Chiều 19/6, HĐND huyện Gia Lâm khoá XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025) để xem xét tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2025 và thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND huyện.

Gia Lâm chuẩn bị vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Kinhtedothi-Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm vừa ban hành Kế hoạch số 271-KH/HU ngày 15/6/2025 về việc triển khai thực hiện vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các đơn vị hành chính xã mới dự kiến trên địa bàn huyện, thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 26/6/2025, tại trụ sở cơ quan 4 xã mới: Gia Lâm, Phù Đổng, Thuận An, Bát Tràng.