Tình trạng xưa nay chưa từng có
Chúng tôi về chùa Hương vào những ngày cuối tháng Giêng, trong tiết trời se lạnh. Lẽ thường, đây sẽ là thời điểm đông khách nhất trong năm. Tuy nhiên, đi từ bến xe Hương Sơn vào đến bến đò và khu vực cáp treo để vào động Hương Tích… những nơi thường tập trung đông khách nhất, nhưng đều trong cảnh vắng vẻ lạ thường.
Các hàng quán, nhà nghỉ chỉ có lác đác vài ba người. Thậm chí nhiều cửa hàng còn đóng cửa. Cả Bến Yến có đến hàng trăm con đò trống không đang nằm dài chờ khách. Xa xa lại có những tốp 5 - 7 người lái đò, lái xe điện đứng tập trung lại tán chuyện. Thấy có người tới, cả đoàn lại vội vàng ùa ra chào mời lên đò. Nhưng số lái đò mời được khách lên thuyền không nhiều.
Bà Nguyễn Thị Dung, một người bán hàng cạnh Bến Yến cho biết: “Tôi sống đến nay đã hơn 60 tuổi và bán hàng ở bến này cũng ngót 50 năm, nhưng chưa năm nào mùa hội lại vắng như năm nay”. Theo như lời kể của bà Dung, hàng năm, cứ từ ngày mùng 3 tháng Giêng trở ra đến hết tháng 3, Bến Yến thường xuyên xảy ra tình trạng “cháy đò”.
Cả một dòng Suối Yến lúc nào cũng ken đặc những con đò lặc lè khách. Các lái đò sẽ tranh thủ trở khách vào rồi lại lập tức trở ra để đón lượt khách mới. Cứ quay vòng như vậy, mỗi lái đò một ngày có thể chở được 4 chuyến. Nhưng năm nay do vắng khách, nhiều lái đò đã gác chèo, đi làm thuê ở các nơi khác.
Ngồi cách đó không xa là một nhóm lái đò đang rôm rả trò chuyện. Ai nấy đều than thở về việc ế ẩm không có khách. Chị Nguyễn Thị Hằng, một lái đò trong nhóm vừa ngáp ngủ vừa nói: “Tôi ra đây đón khách từ 4 giờ sáng, nhưng đến giờ vẫn chưa đón được ai.
Hôm nay có khi lại về không rồi”. Góp thêm vào câu chuyện, lái đò Phạm Thị Hiền bộc bạch: “Nhà tôi dự tính chở khách hết mùa hội năm nay, sẽ dư một khoản tiền để sửa lại cái chuồng chăn nuôi lợn, nhưng với tình hình này thì có khi phải hoãn lại kế hoạch”.
Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, tính đến thời điểm này lễ hội chùa Hương mới đón 25 vạn khách. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2019 đã là 70 vạn. Nguyên nhân khiến lễ hội chùa Hương vắng khách là do dịch bệnh Covid-19, nhiều người không dám đến những nơi đông người.
Theo kinh nghiệm của ông Hiển, tháng Giêng là tháng có đông khách về trẩy hội nhất, còn bắt đầu từ tháng 2 trở đi lượng khách sẽ giảm dần. Với lượng khách như hiện nay, ông Hiển dự tính cả mùa hội năm nay sẽ chỉ đón khoảng 60 vạn khách, giảm gần 70% so với năm trước.
Người kinh doanh khóc ròng
Lượng khách về trẩy hội sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và thu nhập của người dân nơi đây. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là những chủ hàng kinh doanh. Thời điểm này, các chủ hàng như ngồi trên đống lửa, mất ăn mất ngủ vì số vốn đã đổ vào đây quá lớn.
Anh Nguyễn Văn Ngát - chủ cơ sở Quỳnh Phương chuyên bán cơm phở tại cổng Thiên Trù cho biết: Vụ lễ hội năm nay, gia đình anh đã đầu tư số vốn 300 triệu đồng để tôn tạo, sửa chữa lại điểm bán hàng, thuê 14 lao động thời vụ. Cùng với đó, từ đầu năm anh đã đóng hơn 10 triệu đồng các khoản thuế môn bài, vệ sinh môi trường, an ninh…
Tuy nhiên, mới bán được 3 - 4 ngày, có thông báo dịch Covid-19, từ đó đến nay gần như cửa hàng không có khách nào. Để tiết giảm chi phí, hiện nay anh Ngát đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc. “Thực sự là những người kinh doanh như chúng tôi đang rất khó khăn. Bởi có tới 90% số hộ kinh doanh tại đây phải vay lãi để lấy tiền đầu tư. Vì thế, năm nay nếu không bán được hàng, nhiều người sẽ mất nhà, mất cửa” - anh Ngát chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Hương - chủ đại lý chuyên phân phối các sản phẩm quần áo, mũ nón cho các ki ốt bán hàng trong chùa Hương hiện đang mất ăn mất ngủ vì số vốn bỏ ra quá lớn. Vụ lễ hội năm nay gia đình anh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhập hàng.
Phần lớn số tiền đó là tiền vay lãi. Đến nay hàng đã giao xong cho các ki ốt, nhưng các chủ hàng đều yêu cầu hết hội mới thanh toán tiền và phải cam kết thu hồi lại toàn bộ sản phẩm tồn. “Nếu cứ ế ẩm như này, hết hội tôi không biết sẽ phải xử lý thế nào với đống hàng tồn. Chưa kể đến việc không có tiền trả lãi ngân hàng” - anh Hương chán nản nói.
Theo ông Đào Xuân Hùng - Trưởng thôn Yến Vỹ (Hương Sơn), hiện nay, thu nhập của người dân thôn Yến Vỹ chủ yếu trông chờ vào mùa lễ hội. Theo thông lệ, vào cuối năm, Ban Tổ chức lễ hội sẽ bình xét cho các hộ đủ điều kiện bán hàng tại lễ hội. Do việc bình xét này tổ chức mỗi năm một lần, nên hàng năm các hộ trúng thầu sẽ phải đầu tư chi phí để cải tạo cơ sở kinh doanh.
Với tình hình kinh doanh ế ẩm, các chủ cơ sở kinh doanh đã có đơn kiến nghị lên Ban Tổ chức lễ hội hỗ trợ một phần và tạo điều kiện cho bà con tiếp tục kinh doanh vào năm sau, không phải chỉ định lại nữa. “Tuy nhiên, hiện nay mới là cuối tháng Giêng, chúng tôi vẫn đang hy vọng vào thời gian tới, khi dịch ổn hơn, lượng khách sẽ đông trở lại” - ông Hùng tin tưởng.
Chia sẻ về khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2020 Nguyễn Văn Hậu cho biết: Thu ngân sách của huyện Mỹ Đức hàng năm phụ thuộc chủ yếu vào lễ hội chùa Hương. Năm 2019, tổng thu từ lễ hội chùa Hương là hơn 120 tỷ đồng. Do đó, việc sụt giảm lượng khách sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thu, chi ngân sách của cả huyện.
Ngay như việc tổ chức lễ hội năm 2020, ban đầu, Ban Tổ chức đã thành lập đội an ninh gồm 200 công an, nhưng nay rút xuống chỉ còn 40 người. Ngoài ra, không thuê thêm lao động thời vụ phục vụ lễ hội như mọi năm. “Chúng tôi cũng đang tính toán đến các giải pháp để hỗ trợ người kinh doanh giảm bớt khó khăn” - ông Hậu cho biết thêm.
"Để phòng chống dịch Covid-19, Ban Tổ chức lễ hội đã thực hiện phun thuốc sát trùng định kỳ tại khu vực diễn ra lễ hội, ra thông báo khuyến cáo về cách phòng dịch, dán ở những nơi đông người qua lại như bến xe, bến đò, cáp treo… Đồng thời phát thông báo trên hệ thống loa truyền thanh. Bên cạnh đó, khuyến cáo người kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm" - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2020 Nguyễn Văn Hậu |