Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trầy trật đưa hàng thủy sản vào siêu thị

Chia sẻ Zalo

Bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 Tuy nhiên, để đưa được hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị, đặc biệt là siêu thị nước ngoài, các DN thủy sản phải trầy trật và chịu nhiều thiệt thòi.

 Chiết khấu quá cao

Là mặt hàng đặc thù, phải bảo quản đông lạnh trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ, nên để đưa hàng thủy sản đông lạnh tiêu thụ nội địa, các DN phải phụ thuộc vào các kênh siêu thị, với những điều kiện khiến DN phải chịu thiệt. Bà Lê Thị Thanh Lâm,  Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Sài Gòn Food cho biết, với hệ thống siêu thị phát triển mạnh, các DN chế biến thủy sản đã đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thủy sản đông lạnh phân phối qua các hệ thống siêu thị. Hiện nay, mặt hàng thủy sản đông lạnh sơ chế chiếm 60% thực phẩm chế biến đông lạnh tại các siêu thị. Trong đó, tỷ lệ thủy sản đông lạnh tinh chế ngày một tăng cao, chiếm gần 70% sản lượng thủy sản đông lạnh.
Trầy trật đưa hàng thủy sản vào siêu thị
Trầy trật đưa hàng thủy sản vào siêu thị
Tuy nhiên, theo bà Lâm, khó khăn lớn nhất của các DN trong việc phát triển phân phối thủy sản đông lạnh tại thị trường trong nước là mức chiết khấu cho các hệ thống siêu thị rất cao. Đối với các siêu thị trong nước, mức chiết khấu cao nhất là 10%, nhưng đối với các siêu thị nước ngoài, mức chiết khấu còn cao hơn nhiều, từ 10% trở lên, thậm chí lên tới 20-25% doanh thu. “Nhưng với mong muốn đưa được hàng hóa vào phân phối tại hệ thống các siêu thị nên DN đành chấp nhận mọi điều kiện, với mức chiết khấu mỗi năm một cao. Để đạt được điều kiện này, DN quy mô nhỏ muốn có lợi nhuận phải giảm chất lượng sản phẩm, trong đó tăng tỷ lệ mạ băng, ngâm tăng trọng… ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hàng hóa”- Bà Lâm phản ánh.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khó khăn của các DN trong việc phát triển phân phối thủy sản đông lạnh tại thị trường trong nước là mức chiết khấu cho các hệ thống siêu thị rất cao và đều tăng hàng năm, DN nào không chấp nhận thì bị dọa cắt hợp đồng cung cấp hàng. Bên cạnh đó, DN phải chi các khoản hỗ trợ  hoạt động thường xuyên; hỗ trợ sinh nhật, hỗ trợ khai trương; kéo dài hoặc trì hoãn thời gian thanh toán tiền hàng, chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp… Hơn nữa, có những khoản chiết khấu tại các siêu thị nước ngoài mới nghe đã thấy vô lý như: Chi phí tháng cho thương lượng chung; chi phí tháng tập hợp đơn hàng; chi phí tháng cho tối ưu hóa phân phối sản phẩm trong mạng lưới các cửa hàng; chi phí cho việc dùng thử sản phẩm (mặc dù DN đã có chương trình với chi phí riêng)… mỗi khoản chiết khấu cũng 1-2% tương đương với số tiền 1-2 trăm triệu  đồng (nếu doanh số của DN 10 tỷ/năm). Bên cạnh đó, cứ mỗi năm lại xuất hiện thêm vài khoản chiết khấu mới làm DN khốn đốn.

Theo VASEP, mới đây, một số siêu thị nước ngoài gửi đề nghị tới các DN thủy sản tăng mức chiết khấu từ 0,75-1,2% bổ sung cho hợp đồng đã ký năm 2015, điều này là bất hợp lý gây bức xúc cho các DN vì việc tăng mức chiết khấu này sẽ làm cho giá bán tăng theo. Ngoài mức chiết khấu cao, hiện nay các siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20-35% so với giá bán của nhà cung cấp, đã làm cho giá bán của nhiều loại sản phẩm thủy sản bày bán trong siêu thị cao hơn so với các kênh bán lẻ, phân phối khác như: Chợ, đại lý và người tiêu dùng cuối cùng chính là người phải trả khoản chênh lệch này.

Chất lượng thủy sản còn thấp

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các mặt hàng thủy sản nói chung chủ yếu dành cho xuất khẩu, tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2015 lượng thủy sản XK giảm mạnh so với cùng kì năm 2014. Với mặt hàng thủy sản ở khu vực phía Nam rất có tiềm năng cả về sản phẩm lẫn thị trường tiêu thụ, trong đó nổi bật là các sản phẩm tinh chế ăn liền. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động đến XK thủy sản, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản đông lạnh tại thị trường trong nước đang mở ra nhiều thuận lợi cho các DN, nhưng DN cần quan tâm đến chất lượng.

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, đối với hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao đang có xu hướng quay về với người tiêu dùng trong nước. Hiện nay, mỗi năm có 400.000 tấn sản phẩm, trị giá 15.000 tỷ đồng với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú được tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối trong nước. Với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các mặt hàng thủy sản sẽ tiếp tục được người tiêu dùng quan tâm, sử dụng.  Tuy nhiên, theo bà Loan, hiện nay, thủy sản đông lạnh tại thị trường nội địa còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ. Nguyên nhân được đưa ra do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống, chi phí sản xuất, vận chuyển, bảo quản, quảng bá cao làm giá thành khó cạnh tranh, giá bán thấp hơn giá XK.

Theo VASEP, hiện nay sản lượng thủy sản của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng trên 6 triệu tấn. Trong đó, 2/3 sản lượng dành cho XK, số còn lại dành cho thị trường trong nước, với trị giá khoảng 65.000 tỷ đồng. Hiện nay, Việt Nam có gần 600 cơ sở chế biến thủy sản quy mô lớn, trên 7.000 cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình… góp phần rất lớn cho việc chế biến thủy sản phục vụ cho thị trường XK và thị trường trong nước.

Đứng ở góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Coop cho rằng, nắm bắt được xu hướng của khách hàng, Co.op Mart đã sớm đưa vào kinh doanh các sản phẩm thủy hải sản đã qua sơ chế, tẩm ướp hoặc chế biến nhằm đa dạng hóa, tăng tính tiện ích cho nhóm hàng này. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng của nhóm hàng thủy sản chế biến so với nhóm hàng thủy sản thô chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thủy sản đông lạnh tiêu thụ nội địa chưa được nâng cao, đa phần là chất lượng hàng đứng sau tiêu chuẩn XK, trong khi các sản phẩm thủy sản đông lạnh NK đang được người tiêu dùng ưa chuộng.  Để đưa hàng vào siêu thị, bà Nguyễn Thị Thủy lưu ý DN  3 điểm cơ bản nhất các doanh nghiệp phải đáp ứng được: Hàng hóa phải có chất lượng ổn định, điều này đòi hỏi các DN phải đầu tư vào công nghệ; DN phải đảm bảo được điều kiện cung ứng;  và hàng hóa phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng.