Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ bị bạo hành tử vong, hàng xóm có phải chịu trách nhiệm?

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị bạo hành dẫn đến những cái chết tức tưởi, thương tâm. Trong trường hợp hàng xóm, láng giềng biết bé bị bạo hành nhưng không báo cáo chính quyền, họ có phải chịu trách nhiệm gì không?

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Nếu những người hàng xóm có tinh thần trách nhiệm thì khi biết cháu bé bị đối tượng “la mắng, đánh đập” mà trình báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng, nhất định sẽ có sự can thiệp, xử lý kịp thời. Nếu thấy sự việc nghiêm trọng, vì việc hành vi hành hạ cháu bé sẽ ít nhiều để lại dấu vết trên cơ thể cháu, khi đó cơ quan chức năng sẽ phải có phương án bảo vệ, chăm sóc cháu bé như báo tin, giao cho người thân của cháu hoặc giao cho cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc.

Trẻ bị bạo hành tử vong, hàng xóm có phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1

Nếu hàng xóm phát hiện, chứng kiến hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực theo quy định tại Điều 18 của Luật Phòng, chống bạo lực năm 2007 như sau:

“Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

  1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
  2. Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.”

Quy định pháp luật có 2 hình thức xử lý đối với những người biết rõ hành vi bạo hành cháu bé trong gia đình mà không báo cáo chính quyền bao gồm:

Xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 60 Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Điều 60. Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình

  1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  2. a) Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng;
  3. b) Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;
  4. c) Cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.
  5. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

  1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm còn phụ thuộc vào kết luận điều tra và chứng cứ thu thập được. Trước tiên, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng lên tiếng khi có hành vi bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, thông báo ngay với chính quyền địa phương hoặc liên hệ ngay tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.