Trẻ chậm phát triển do bố mẹ "ảo tưởng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh vì cha mẹ ép học, muốn "nhào nặn" thành "cái gì đó” trong tương lai đang ngày càng gia tăng.

KTĐT - Theo thống kê của Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh vì cha mẹ ép học, muốn "nhào nặn" thành "cái gì đó” trong tương lai đang ngày càng gia tăng.

Kỳ vọng, thậm chí ảo tưởng con trẻ là "thần đồng", nhiều người đã vô tình hại con khi bé mới ba, bốn tuổi đã bị nhồi nhét đủ thứ, từ máy tính, ngoại ngữ đến nhạc, họa...

Theo thống kê của Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh vì cha mẹ ép học, muốn "nhào nặn" thành "cái gì đó” trong tương lai đang ngày càng gia tăng. Và chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp cho rằng, số trẻ được đưa đến khám tại bệnh viện vẫn rất ít so với thực tế.

Đưa con tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 30/10/2009, một người cha than: "Tôi cứ mong con thành thiên tài, ai dè lại gây tai họa cho con!".

Bé Chuyên, năm tuổi, con anh, nhìn vẻ ngoài khỏe mạnh, bình thường nhưng tiếp xúc mới thấy bé gần như không biết đến ai xung quanh. Người cha kể, khi mới hai tuổi, Chuyên đã nói nhiều, rất thông minh và đặc biệt thích sách vở, báo chí, máy tính. Hơn ba tuổi, bé đã đọc được các con chữ trên bàn phím máy tính, biết cầm con chuột và có thể đóng mở cửa sổ trên màn hình...

Nghĩ con mình có thể là "thần đồng" máy tính, vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin, anh bắt đầu tự bồi dưỡng cho con... Anh cài đặt vào máy nhiều trò chơi tính toán để con học, mua những phần mềm đồ họa về cho con vẽ, mời hẳn một cậu sinh viên đang theo học ngành máy tính về làm gia sư cho bé... Kết quả: sau gần năm rưỡi "bồi dưỡng", Chuyên đâm ra đờ đẫn, nhút nhát.

"Gần đây, con tôi không chú tâm vào việc gì hết, ai gọi cũng không trả lời, cứ lúi húi một mình với máy tính, hoảng quá, tôi phải đưa con đi khám...", bố bé Chuyên kể.

Bé Mai, bốn tuổi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại bị cha mẹ ép theo kiểu khác. Mới bốn tuổi nhưng Mai đã bị "nhồi" một lịch học quá sức: học ở trường mầm non, luyện chữ, học tiếng Anh, học thêm các kỹ năng khác vào buổi tối. Vì thế, bé bị sách vở, bút mực, phòng học... ám ảnh. Chỉ cần nhìn thấy những thứ ấy, lập tức bé tỏ ra sợ sệt, nhức đầu, đau bụng...

Không biết thiên hướng của con là gì, thậm chí chẳng thèm quan tâm độ tuổi của con học gì là phù hợp, một số phụ huynh chỉ chăm chăm "lái" con theo mong muốn của mình. Một giáo viên ở lớp nhạc Nắng Hồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), thổ lộ: "Ngày nào chúng tôi cũng phải tiếp các phụ huynh đến năn nỉ cho con vào học nhạc, dù con họ mới ba, bốn tuổi. Nhiều lúc thấy phụ huynh tha thiết quá, chúng tôi cũng đành nhận, dù muốn học được nhạc, ít nhất trẻ cũng phải năm tuổi, nhận biết được mặt chữ, mặt số".

Tại lớp học Yamaha quốc tế dành cho trẻ 4-5 tuổi ở một trường nhạc tại quận 1, TP HCM, nhiều người từng chứng kiến nhiều trẻ khóc ngất khi bị phụ huynh ép phải ngồi vào đàn. Tương tự, tại lớp học vẽ Nắng Mới (quận 10, TP.HCM), nhiều trẻ mới ba tuổi, chưa biết cầm bút, đã bị ba mẹ "ấn" vào lớp đào tạo đặc biệt về hội họa... Vì thế, rất nhiều trẻ trong giờ học, chỉ luôn miệng hỏi "cô ơi, ba mẹ con đâu rồi?" hoặc cứ nhìn ra đường để ngóng người thân.

Chứng kiến bé Phong, bốn tuổi, tại trường nhạc ở Q.1, TP HCM, khóc lóc khi phải ngồi vào đàn, người ngoài không khỏi xót xa. Trong khi đó, ba của em vẫn vô tư: "Tôi ngày xưa không được học, giờ mới thấy tiếc. Đời mình đã vậy, nay có điều kiện thì phải 'ép' cho con học, chứ nó còn nhỏ, biết cái gì là "thích với không thích"...

Có lẽ vì vậy mà trong một báo cáo mới đây, Hội Tâm lý - giáo dục TP HCM đã đưa ra một con số thống kê (điều tra với khoảng 1.000 hộ gia đình) không mấy bất ngờ: có đến 90% cha mẹ phát hiện sai năng khiếu, thiên hướng bẩm sinh của trẻ.

Theo tiến sĩ tâm lý Trần Thị Thu Mai, Phó trưởng khoa Tâm Lý - giáo dục (Đại học Sư phạm TP HCM), ép trẻ học theo mong muốn của người lớn, trước mắt là đánh cắp tuổi thơ của trẻ. Theo các tài liệu nước ngoài, từ ba đến tám tuổi là thời kỳ con người phát triển tối ưu về ngôn ngữ, nghệ thuật. Nghĩa là, ở giai đoạn này, nếu có "khả năng đặc biệt" về ngôn ngữ hay nghệ thuật (nhạc, họa...), trẻ sẽ dễ bộc lộ.

Nhưng, đây cũng là giai đoạn dễ bị "sốc" về tâm lý và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần của trẻ. Vì thế, nếu thấy con có năng khiếu, phụ huynh cần đưa đến chuyên gia để trắc nghiệm và bồi dưỡng, không nên "ép" trẻ học theo sở thích của cha mẹ. Bởi, nếu bị ép, trẻ sẽ sợ hãi, thậm chí có thể bị ảnh hưởng đến thần kinh.

Chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp, Khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 thì khẳng định: Sai lầm của nhiều người là cứ tưởng cho con học sớm sẽ giúp con thông minh lên. Thật ra, giai đoạn ba, bốn, năm tuổi không phải là lúc bắt trẻ nghe lời, bắt trẻ ngồi yên một chỗ để tiếp thu kiến thức. Vì như thế, có thể dẫn đến khả năng trẻ bị chậm phát triển.

Về góc độ tâm lý, sau này trẻ rất dễ trở thành người thụ động, ỷ lại, thậm chí là bị "nhi hóa" tính cách. Kiến thức mà trẻ dưới sáu tuổi lĩnh hội qua tự chơi, tự khám phá sẽ hơn gấp nhiều lần so với những gì trẻ bị cha mẹ ép học. Do đó, nếu bị hổng những kiến thức này, trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình phát triển.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần