Trẻ em không phải là cỗ máy kiếm tiền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các chương trình dành cho người lớn xuất hiện nhan nhản trên truyền hình, và có dấu hiệu nhàm chán thì những chương trình dành cho trẻ em trở thành “món ăn” lạ miệng đối với khán giả xem truyền hình.

Nhưng thực tế, những chương trình này đã trở nên mặn chát bởi có rất nhiều nước mắt của trẻ em phải rơi xuống.
Một tiết mục trong Chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí 2015”.
Một tiết mục trong Chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí 2015”.
Bắt đầu từ ngày 27/6, cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ nhí 2015 quay trở lại màn ảnh nhỏ vào lúc 20 giờ trên kênh VTV3. Đây là chương trình mở màn cho dòng truyền hình thực tế dành cho trẻ em của mùa hè năm nay. Ngoài chương trình này, sắp tới sẽ có thêm hàng loạt chương trình như Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí, Gương mặt thân quen nhí… Một điểm chung khán giả có thể nhận ra khi theo dõi những chương trình này trong thời gian qua, là chương trình nào cũng đầy nước mắt! Nước mắt rơi vì thua cuộc, vì những quy định khắc nghiệt của cuộc thi và vì trăm thứ lý do mà lẽ ra trẻ em không đáng phải chịu.

Từ mùa thứ 2, chương trình Giọng hát Việt nhí đưa ra quy định “3 loại 2 lấy 1” ở vòng Đối đầu đã cho thấy sự khốc liệt của nó. Trước đó, đã có hàng trăm em đăng ký và cũng có từng đó em “rơi rụng” để còn lại 45 thí sinh của 3 đội (15 thí sinh một đội) bước vào vòng Đối đầu. Sau vòng này, 10 em sẽ phải “xách vali về nhà”, chỉ có 5 em được giữ lại. Các em tiếp tục trải qua những cuộc sàng lọc, để cuối cùng chỉ còn 3 em cho trận chung kết. Nhưng tất cả chỉ có một giải nhất. Ở sân chơi này năm ngoái, nhiều khán giả không tránh khỏi cảm giác xót xa, tội nghiệp khi phải chứng kiến những giọt nước mắt nức nở của Ngọc Anh, Quỳnh Anh… trên sân khấu. 

Hay như chương trình Đồ rê mí, vốn được lòng là chương trình đậm chất thiếu nhi nhất, thì ở những mùa sau này lại có sự “nhúng tay” của người lớn quá nhiều. Kết quả là Đồ rê mí không khác gì bản sao của một chương trình giải trí dành cho người lớn. Các em được trang điểm khá cầu kỳ và lòe loẹt, dẫn tới phản cảm. Không những thế, các em còn phải thi những nội dung mà người lớn đôi khi còn thấy e ngại: Hát nhạc kịch, hát nhạc quốc tế; trong khi đa số các bé đều chưa rành về tiếng Anh và cả kỹ thuật thanh nhạc. Tuy vậy, quy định đã ban ra nên các em vẫn phải “gồng” mình để làm tốt vai trò thí sinh của mình. Và hậu quả mà ai cũng thấy là thiếu nhi bỗng dưng trở nên già trước tuổi, không còn sự ngây thơ và hồn nhiên của những em bé lên năm lên mười. Sau mỗi đêm công bố kết quả, nhiều em đã khóc nức trên sân khấu khi hay tin mình bị loại.

Với quy định khốc liệt như vậy, các chương trình đã không còn là sân chơi để các em được giải trí trong dịp hè cũng như thể hiện niềm yêu thích ca hát của mình. Không ít khán giả khi xem cũng ứa nước mắt vì thương. Bởi vì, người lớn (trong đó có cả phụ huynh của các em) đã quá đề cao tính thương mại của chương trình cũng như lợi ích bản thân, để rồi chạy theo những mục đích đó khiến các em dần mất đi sự trong sáng, hồn nhiên của mình. Thậm chí, một cách vô tình, các em trở thành phương tiện quảng cáo cho các nhà tài trợ. Bởi thế, những chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em trở nên mặn chát là vậy! 

Có một thực tế cũng khắc nghiệt không kém đó là hiện tại, các gameshow truyền hình thực tế đều là kinh doanh, nên việc quan tâm đến cuộc sống của các thí sinh không phải là tiêu chí đầu tiên, mà là giờ phát sóng, tỷ lệ người xem, số lượng quảng cáo… Và để đảm đảo được những yếu tố này, nhà sản xuất luôn có hợp đồng mà theo tiết lộ của một phụ huynh từng có con đi thi Giọng hát Việt nhí thì “chẳng có điều khoản nào bên B (bên thí sinh) có lợi cả”. Thậm chí, trong một điều khoản còn ghi rất rõ: Nếu không ký hợp đồng thì đồng nghĩa với việc phải rời cuộc thi và thay thế bằng thí sinh khác. 

Biết là vậy, nhưng đã có rất nhiều phụ huynh bất chấp, một cách gián tiếp, “đẩy” các em vào vòng xoáy của truyền hình thực tế. Rất ít người hiểu rằng, tuổi của các em bây giờ là học và chơi, không phải chạy theo những cuộc thi trên truyền hình vì những giải thưởng hấp dẫn hay danh tiếng hão huyền. Điều quan trọng hơn, các em không phải là cỗ máy kiếm tiền cho gia đình hay nhà sản xuất nào đó.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh lưu ý: “Khi cho trẻ tham gia các hoạt động, các cuộc thi mang tính thi đua của các em, các bậc phụ huynh cần cho các em cảm thấy đó chỉ là một cuộc chơi mà sự vui vẻ là chính, không nên đặt tinh thần thắng thua. Hãy giúp trẻ cảm nhận được niềm vui trong sự tham gia chứ không phải là các giải thưởng”. Ngoài ra, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, phụ huynh cũng nên quan tâm đến thái độ, hành vi, cảm xúc của con trẻ; chấp nhận các khả năng vốn có để khuyến khích các em có những cố gắng cải thiện chứ không nên áp đặt các mong đợi của mình lên suy nghĩ của trẻ, sẽ khiến trẻ trở thành những đứa trẻ già trước tuổi chỉ để đáp ứng tính háo danh của người lớn.

Đành rằng những chương trình truyền hình cho trẻ em hay thì thật là hay, vui cũng thật vui nhưng lời khuyên của chuyên gia tâm lý cũng là một lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Bởi vì nước mắt vốn đã buồn rồi, để trẻ em khóc nữa lại càng buồn hơn!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần