Trước đó, ngày 15/5, bé N.B.P.T nhập viện trong tình trạng nhẹ cân (2,2kg), nôn ói, chướng bụng, đe dọa sốc nhiễm trùng, rối loạn đông máu.
Khi tiến hành kiểm tra, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phát hiện bệnh nhi bị dị tật thủng túi thừa Meckel (dị dạng ở ruột non có hình dáng giống ruột thừa), phân xu tràn ra gây viêm phúc mạc (nhiễm trùng) toàn bộ ổ bụng, đe dọa đến tính mạng và được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp.
Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ vệ sinh ổ bụng, may lại vị trí bị thủng cho bệnh nhi.
Sau khi được mổ cấp cứu, bé bắt đầu bình phục, có thể bú sữa mẹ được.
Tuy nhiên, sau 9 ngày phẫu thuật, bệnh nhi lại có triệu chứng khó thở, thở co rút lồng ngực. Sau khi chụp phim, bác sĩ phát hiện có đờm ở đáy phổi bên phải, nghi bệnh nhi bị viêm phổi. Mặc dù bác sĩ đã chuyển hướng điều trị nhưng khối mờ ở phổi phải cứ tăng dần đến đỉnh phổi. Dù đã sử dụng kháng sinh, tính mạng của bệnh nhi tiếp tục bị đe dọa.
Nghi ngờ bệnh nhi bị thêm một dị tật đi kèm, sau khi thực hiện hai cuộc hội chẩn, với kỹ thuật CT scanner dựng hình dọc, các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhi bị dị tật thoát vị hoành phải (gan lọt qua lỗ thủng bẩm sinh ở cơ hoành phải (rộng 4x6cm) chui lên lồng ngực, chiếm hết chỗ của phổi và đẩy tim lệch hẳn qua bên trái. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhi khó thở. Bệnh nhi được tiến hành mổ lần 2 để đưa gan trở về vị trí cũ ở ổ bụng, khâu phục hồi lại cơ hoành.
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm - Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê-hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đây là trường hợp hết sức hy hữu. Lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi bị dị tật kép. Cả hai dị tật này đều đe dọa tính mạng của bé nếu không được cứu chữa kịp thời; trong đó, dị tật thoát vị hoành cực kỳ hiếm gặp với tỷ lệ xuất hiện là 1/50.000 trẻ sơ sinh còn sống.
Sau hai cuộc phẫu thuật, hiện bé N.B.P.T đã hoàn toàn bình phục, thở nhẹ nhàng, bú tốt, tăng cân và sẽ được xuất viện trong 3-5 ngày tới.