Các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào Thứ bảy, Chủ nhật.
Ngành dịch vụ vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20 - 40% tùy vào từng vị trí; tuy chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn vay, lãi xuất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động. Hầu hết các DN thỏa thuận với người lao động (NLĐ) thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.
Thị trường xuất khẩu hàng nông thủy sản bị tác động mạnh, hầu hết các sản phẩm trái cây tươi như thanh long, dưa hấu và sản phẩm thủy hải sản tồn đọng do thị trường Trung Quốc ngưng tiêu thụ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống và công ăn việc làm của hàng ngàn nông dân và công nhân ngành nông nghiệp và thủy hải sản.
Báo cáo của các địa phương, do bị tác động bởi Covid-19, hàng chục nghìn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 3.000 hộ), chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động, nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, mức độ giảm dao động từ 20 - 30%, thậm chí có nơi giảm mạnh như TP Hồ Chí Minh tới 40%, Hà Nội 36,7% (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ đầu năm đến nay mới tiếp nhận thông tin của gần 700 DN đăng ký tuyển lao động với 7.150 chỉ tiêu việc làm...
3 kịch bản thị trường lao động
Căn cứ vào dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và diễn biến của dịch Covid-19, Bộ LĐTB&XH dự báo thị trường lao động tháng 3/2020 với 3 kịch bản.
Theo đó, kịch bản 1: Dịch được khống chế trong tháng 3/2020 và nền kinh tế quay lại trạng thái bình ổn, GDP quý 1/2020 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 0,3% - 0,5% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 132.000 đến 220.000 lao động.
Bộ LĐTB&XH cũng xây dựng kịch bản 2 (dễ xảy ra): Trường hợp diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, GDP quý 1 sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 1 - 2% thì số lao động bị giảm giờ làm bị hoặc mất việc làm là từ 440.000 đến 880.000 lao động.