Đến đầu giờ sáng 16/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2021 đứng ở mức 72,22 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 15/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2021 đã tăng 1,55 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 11/2021 đứng ở mức 75,33 USD/thùng, giảm 0,13 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng 1,29 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 15/9.
Trong phiên giao dịch ngày 15/9, giá dầu thô tăng mạnh nhờ thông tin dự trữ dầu thô tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới giảm và các dự báo đều cho thấy nhu cầu dầu vẫn đang trên đà phục hồi mạnh.
Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/9 đã giảm 5,4 triệu thùng, mức giảm lớn hơn nhiều con số dự báo 3,5 triệu thùng được các nhà phân tích đưa ra trước đó.
API cũng cho hay, dự trữ dầu, xăng và các sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng giảm mạnh bởi tác động của bão Ida, khiến nhiều nhà máy lọc dầu và hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico bị gián đoạn. Trong khi các hoạt động dầu khí ở Vịnh Mexico vẫn chưa được khôi phục do bão Ida thì khu vực này tiếp tục phải hứng chịu tác động của bão Nicholas. Điều này đã làm gia tăng các lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung dầu thời gian tới.
Trước đó, trong báo cáo hàng tháng được phát đi ngày 13/9, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô sẽ tăng trung bình 4,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với các dự báo trước đó, đưa nhu cầu dầu thô toàn cầu trung bình lên 100,83 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Ở diễn biến mới nhất, Cơ quan Năng lương quốc tế (IEA) cũng đưa ra những dự báo lạc quan về nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2021.
Theo đó, nhu cầu dầu mỏ đã giảm từ tháng 7 sau khi tăng trở lại trong tháng 6, trong đó thị trường Trung Quốc đứng đầu mức giảm, nguyên nhân của tình trạng này là do dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều quốc gia châu Á.
Trong 3 tháng liên tiếp (7 - 9), nhu cầu dầu giảm trung bình khoảng 310.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 và tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều quốc gia tiếp tục nới lỏng các biện pháp nới lỏng hoặc mở cửa trở lại nền kinh tế.