Ngân hàng vẫn lãi khủng
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng tốt hậu Covid-19, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đang là điểm sáng trong bức tranh tài chính quý 3 và 9 tháng năm 2022.
Thống kê cập nhật đến đầu tuần này, Techcombank vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Techcombank vẫn giữ vững lợi thế cạnh tranh tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức cao, với tổng tiền gửi tại ngày 30/9 là 318,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% từ đầu năm; tỷ lệ CASA duy trì ở mức 46,5%, với vị thế cao nhất toàn ngành, dù có giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý 2/2022.
Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70,7 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn ngân hàng và giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 37,7% của quý 2/2022.
“Á hậu” trong top lợi nhuận ngân hàng là VPBank, với lợi nhuận tăng 69%, đạt hơn 19.800 tỷ đồng và thực hiện 67% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022. Bán lẻ một lần nữa khẳng định vị thế trụ cột tại VPBank trong quý 3/2022. Quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ và FE Credit, vươn lên đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng của VPBank, với tăng trưởng đạt khoảng 20%, đưa ngân hàng vào top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ.
Dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 443 nghìn tỷ trong quý 3. Trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng riêng lẻ đạt 15,45%, cao hơn mức trung bình ngành là 10,96%. Bên cạnh đó, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cũng đã tìm lại được đà tăng trưởng tích cực sau thời gian chạy đà 2 quý trước đó.
ACB và SHB là những cái tên ở vị trí tiếp theo với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.500 tỷ và 9.000 tỷ. Sau đó là VIB với 7.800 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 46% so với cùng kỳ; TPBank xếp ở vị trí thứ 6 khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 5.926 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ và thực hiện 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm. SeABank, LienVietPostbank... cũng là những cái tên có mức tăng trưởng lợi nhuận cao.
Thách thức trái phiếu đến hạn thanh toán
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng có thể xảy ra đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, khi giá trị trái phiếu DN (TPDN) đáo hạn sẽ tập trung trong năm 2023 và 2024.
Thời gian qua, các động thái quyết liệt làm sạch thị trường TPDN của cơ quan chức năng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trái phiếu. Nhu cầu tất toán trái phiếu trước hạn của nhà đầu tư tăng cũng gây áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản (vốn là những chủ thể có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất). Ước tính có khoảng 142 nghìn tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo VDSC, với quy mô giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ ước khoảng 628 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, bằng khoảng 6% dư nợ của hệ thống ngân hàng, có thể thấy áp lực về dòng tiền thanh toán nợ gốc trái phiếu (do đáo hạn hoặc do nhà đầu tư đề nghị mua lại trước hạn) cho thời gian còn lại của năm 2022 vẫn còn khá cao. Áp lực dòng tiền cao phát sinh trong ngắn hạn trong khi tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa giảm, có thể dẫn đến các doanh nghiệp có số dư trái phiếu riêng lẻ cao có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ khoản vay tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân, những người nắm giữ trái phiếu không được thanh toán gốc và lãi đúng hạn, có thể gián tiếp gặp khó khăn về dòng tiền. Đây cũng là rủi ro tiềm tàng nếu các cá nhân này có khoản vay tại ngân hàng nhưng thiếu dòng thu nhập ổn định. Mặt khác, mức độ tiếp xúc của ngành ngân hàng với bất động sản ngày càng tăng.
Theo thống kê của NHNN, quy mô tín dụng vào ngành bất động sản (gồm cho vay và TPDN) hiện nay cao hơn đáng kể so với trước đây. Số dư tính đến 30/6/2022 là 2,37 triệu tỷ đồng, tương đương 20,7% tổng tín dụng toàn nền kinh tế, so với mức 16,5% vào năm 2017.
Trong bối cảnh này, VDSC nhận thấy xác suất nợ xấu gia tăng đang cao hơn, tạo áp lực lên chi phí tín dụng trong các quý tiếp theo. “Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 2, một số ngân hàng có mức phân bổ cao (trên 10%) tín dụng vào cho vay bất động sản và TPDN như TPBank, Techcombank, MB, VPBank, SeABank, HDBank, MSB... 'Nhóm này sẽ chịu rủi ro cao hơn các ngân hàng khác, nhưng mức độ rủi ro là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc tín dụng (cho vay và đầu tư TPDN) với ngành bất động sản, và sức khỏe tài chính của các đối tác bất động sản liên quan''- VDSC nhận định.
Báo cáo tài chính quý 3/2022 của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, khối lượng trái phiếu mà các nhà băng lớn đang nắm giữ vẫn rất lớn. Theo đó, Techcombank đã đưa giá trị trái phiếu nắm giữ từ 49.345 tỷ đồng cuối quý II/2022 về con số 43.501 tỷ đồng, giảm gần 12%. VPBank giảm 11%, còn hơn 33.000 tỷ đồng. TPBank giảm nhẹ 4%, còn hơn 22.300 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến cuối quý II/2022, có 4 ngân hàng nắm giữ từ xung quanh 1 tỷ USD trở lên (trên 20.000 tỷ đồng) TPDN, bao gồm MB Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.