5/10 chỉ số đã cải thiện Kết quả thực hiện Nghị quyết 19/2014 và 2015 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đã cải thiện được 3 bậc (từ 93 lên 90) và cải thiện 5/10 chỉ tiêu (khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, giải quyết phá sản DN…). Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức ngày 18/5, bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) thẳng thắn chỉ rõ, dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện nhất định nhưng còn nhiều chỉ số chưa đạt yêu cầu. Hiện, Việt Nam chỉ cao hơn Philippines và còn kém xa Thái Lan, Singapore, Malaysia ở nhiều chỉ số thành phần.
Theo đó, thứ hạng về khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2015 cải thiện 6 bậc, hiện ở vị trí 119/189 nền kinh tế, thấp hơn trung bình ASEAN 4 (đang là 71/189). Tuy nhiên, theo bà Thảo, đánh giá này của WB đưa ra năm 2015 khi Luật DN mới chưa có hiệu lực. Trong năm 2016, nếu theo cách tính toán của WB, thực hiện nghiêm, đầy đủ Luật DN 2014 thì thứ hạng của Việt Nam sẽ tăng lên vị trí 50, đạt mức trung bình của ASEAN 4. Trong khi đó, chỉ tiêu về tiếp cận điện năng có cải thiện tốt trong năm 2015, đã giảm được 56 ngày (so với mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra 70 ngày), cải thiện 27 bậc. Nhưng theo thứ hạng thì vẫn ở mức 108/189 nền kinh tế và thua xa trung bình của các nước ASEAN 4.
Về nộp thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH), năm 2015, Việt Nam giảm được 102 giờ, trong đó 60 giờ thuộc BHXH, 42 giờ thuộc nộp thuế. Về tỷ lệ nộp thuế và BHXH so với lợi nhuận thì ở Việt Nam tỷ lệ này khá cao, tới 39,4% (trong đó BHXH 24,8%, thuế 14,6%). So với trung bình các nước ASEAN 4 thì Việt Nam tương đương Malaysia, Philippines, nhưng tỷ lệ thuế này cao hơn nhiều so với Singapore và Thái Lan. Về giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục 2 năm gần đây giảm bậc. Chỉ số cấp phép xây dựng là chỉ số đi xuống so với các chỉ số khác khi bị kéo dài từ 114 ngày lên 166 ngày. Đối với chỉ số đăng ký sở hữu tài sản không những không giảm mà năm 2015 còn tăng thêm 1 thủ tục và thời gian kéo dài thêm 0,5 ngày. Trong khi chỉ số tiếp cận tín dụng (trong Nghị quyết 19 không tiếp cận theo tiêu chí của WB mà theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới), hiện nay Việt Nam ở vị trí khá thấp, đứng thứ 88/140 nền kinh tế. Nếu so với trung bình các nước ASEAN 4 thì chỉ là thứ hạng 15. Chưa “thấm” đến cấp dưới “Tham dự nhiều cuộc họp ở các bộ, ngành, tôi nhận thấy quyết tâm cải cách rất cao của các vị Bộ trưởng nhưng dường như tinh thần ấy vẫn chưa được thấm đến hết các cục, vụ, viện” - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung chia sẻ. Kết quả đánh giá của WB sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 19 đã phần nào phản ánh đúng thực trạng cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành hiện nay. Một trong những bộ “bị” DN “kêu” nhiều nhất là Bộ Công Thương. Theo bà Phạm Kiều Oanh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Nhà Bè, rất nhiều DN ngành may mặc đang khốn khổ vì Thông tư 32/2009/TT-BCT do Bộ này ban hành. DN đã có hơn 10 văn bản kiến nghị mà đến nay vẫn không được giải quyết. Thông tư 37/2015/TT- BCT thay thế không những không giải quyết được vướng mắc mà còn gây phiền nhiễu hơn cho DN. Đại diện May Nhà Bè cho hay, việc tuân thủ theo Thông tư 37 làm cho DN không những tốn thêm thời gian cho một lô hàng nhập khẩu khi về tới cảng được thông quan mà còn tốn thêm chi phí giám định (2,035 triệu đồng/mẫu vải). Thông tư mới yêu cầu phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt & Azodyer. Những lô hàng nhập về làm mẫu, có khi chỉ là 5m vải cũng bắt buộc phải đi kiểm định hàm lượng formaldehyt & Azodyer, tốn thêm 100 USD kiểm định và mất thêm thời gian của DN. Dẫn chứng thêm về những bất cập trong các quy định của Bộ Công Thương, ông Văn Viết Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình cho biết, để thực hiện quy định về dán nhãn năng lượng, DN mất đến 50 ngày, chi phí để thực hiện không đáng kể song thời gian chờ đợi thì quá lâu đối với DN và hiệu lực của Giấy quyết định dán nhãn năng lượng lại quá ngắn (1 năm) nên phải gia hạn liên tục. Ông Tuấn kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu chỉ định thêm một vài cơ quan, phòng thí nghiệm có khả năng thử nghiệm để tránh kéo dài thời gian cho DN. Vì hiện tại chỉ có một nơi thử nghiệm là Trung tâm 3 (Biên Hòa – Đồng Nai) nên xảy ra tình trạng quá tải… Các cơ quan khác (Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, thuế, hải quan,…) cũng bị DN “chê” là chưa thực sự đồng hành cùng DN. Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện nay hàng thủy sản đang bị “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”. Điều này khiến phát sinh rất nhiều thủ tục, chi phí, thời gian khi cán bộ hải quan bắt buộc phải xuống tận DN để kiểm tra theo Nghị định 83/2013/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Hay như chính sách tạm nhập, tái xuất nguyên liệu nông thủy sản qua biên giới với Trung Quốc đã vô tình giúp các DN Trung Quốc lách được thuế nhập khẩu. Ngoài ra, các DN cũng đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối và giảm các trạm thu phí và mức phí cầu đường ngay trong năm 2016 để nuôi sức DN và thúc đẩy giao thương… Theo ông Nguyễn Đình Cung, những kiến nghị, đề xuất từ DN là hết sức cụ thể theo đúng tinh thần “DN chủ động tham gia vào hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh” mà Chính phủ đã kêu gọi. Các bộ, ngành cần lắng nghe và nghiêm túc rà soát để sau một năm nhìn lại Nghị quyết 19/2016 sẽ được thấy nhiều hơn những cải thiện rõ rệt từ môi trường kinh doanh.
Sản xuất đồ điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải |
Mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 19/2016: Các chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Cụ thể: Khởi sự kinh doanh: xếp thứ 71; Cấp phép xây dựng: 77 ngày; Tiếp cận điện năng: 59 ngày; Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản: 14 ngày; Tiếp cận tín dụng: 30 ngày; Bảo vệ nhà đầu tư: xếp thứ 50; Nộp thuế và BHXH: 168 ngày. Giao dịch thương mại qua biên giới: Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu: 80 giờ; Thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu: 96 giờ; Giải quyết tranh chấp hợp đồng: 200 ngày; Giải quyết phá sản DN: 2 ngày |
Nghị quyết 19/2016 không chỉ được bổ sung nhiều nội dung mới mà còn có sự khác biệt về tổ chức thực hiện. Điều dễ nhận thấy trước tiên là sự đồng hành, theo dõi, đánh giá sát sao của Chính phủ. Cam kết của Thủ tướng đã “thấm” đến tất cả các cơ quan, cấp ngành có liên quan với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm, lấy người dân làm đối tượng phục vụ chứ không coi người dân là đối tượng kiểm tra, kiểm soát. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây mất nhiều thời gian và chi phí cho DN, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu chậm trễ làm gián đoạn sản xuất, phá vỡ thời gian giao hàng, khiến DN có thể bị phạt, bị cắt đơn hàng, hoặc làm đội giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của DN. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm |