Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trên quyết tâm, dưới hững hờ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù các mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia khá cụ thể, rõ ràng, song sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương vẫn rất hạn chế.

Nhìn lại việc thực thi Nghị quyết 19, tại sự kiện chuyên đề do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 30/7, các chuyên gia còn đưa ra một thực tế, một số Bộ thậm chí còn ban hành những quy định tạo thêm rào cản cho cải cách môi trường kinh doanh.

Hiệu quả còn hạn chế
Giảm 1 giờ nộp thuế, tiết kiệm 1 tỷ USD. Đó là con số được Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung đưa ra để nói về hiệu quả của những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngày 12/3/2015, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP được ban hành trên cơ sở lấy đánh giá độc lập bên ngoài làm căn cứ để đo lường và định vị năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam. Nghị quyết này sử dụng phương pháp luận của Ngân hàng Thế giới áp dụng toàn cầu để có thể so sánh. Sự so sánh ở đây không chỉ giữa “ta” với “ta” theo thời gian mà là so sánh giữa chúng ta với các nước trong khu vực.

Năm 2015, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình các nước Asean 6. Cụ thể, thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 171 giờ; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%, tỷ lệ DN nộp thuế điện tử tối thiểu 90%, đảm bảo ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định; thời gian đăng ký kinh doanh 6 ngày, rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết…

Dù mục tiêu đặt ra cụ thể và rõ ràng nhưng công tác triển khai cũng như hiệu quả trong việc thay đổi môi trường kinh doanh tại Việt Nam đến nay vẫn rất hạn chế. DN vẫn phải đương đầu với hàng loạt khó khăn do thuế và phí đè nặng. Đơn cử, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho biết, muốn xin giấy phép cũng phải vượt qua nhiều rào cản; đóng một cái dấu lên quả trứng cũng bị thu tiền, trong khi, đảm bảo ATTP là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Theo ông Cung, không thể chấp nhận được cơ quan quản lý tận thu, cứ hoạt động nào cũng thu phí, thu tiền...
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang cải thiện tích cực.  	Ảnh: Hùng Huy
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang cải thiện tích cực. Ảnh: Hùng Huy
Chưa hết bức xúc vì câu chuyện thuế, phí, chuyên gia kinh tế Phạm Thanh Bình cho rằng, chỉ đoạn đường 100km mà đến 5 trạm kiểm tra, kiểm soát. DN làm nhiệm vụ xuất khẩu, chuyển hàng từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tối thiểu trải qua 5 trạm kiểm tra ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên… Dữ liệu xuất nhập khẩu của hải quan nhiều nhưng việc tận dụng dữ liệu là chưa tốt. Đi đâu, qua chỗ nào cũng phải khai báo, mặc dù việc khai báo lặp đi lặp lại. Điều này làm tăng chi phí của DN.

Đề cao trách nhiệm

Tại phiên họp Chính phủ diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự không hài lòng khi một số bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch hành động đối với Nghị quyết. "Có tỉnh chưa biết là nghị quyết gì. Có tỉnh chưa triển khai gì hết” - Thủ tướng chỉ rõ. Theo báo cáo của CIEM - đơn vị được giao thường xuyên theo dõi, đánh giá và báo cáo Chính phủ việc triển khai Nghị quyết 19, đến nay, một số bộ, ngành như: Bộ NN&PTNT, GTVT, Tài chính, Tổng cục Hải quan… tham gia khá tích cực để cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Tuy nhiên, một số bộ vẫn chưa nhận thức được, thậm chí còn ban hành những quy định trái với tinh thần, nội dung, thẩm quyền, tạo thêm rào cản cho cải cách môi trường kinh doanh. Đơn cử, Bộ Y tế tiếp tục được nhắc tên khi liên tục vắng mặt kể từ Hội nghị tổng kết triển khai Nghị quết 19 hồi tháng 6/2015. Trong khi đó, bộ này đang là một trong những bộ thuộc top đầu trong việc tồn tại các giấy phép con.

6 tháng cuối năm 2015, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, loại bỏ những thủ tục không phù hợp; đề cao trách nhiệm không chỉ quy định trên giấy…