Việc treo cờ Tổ quốc vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn trong năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Hà Nội. Khi bước xuống phố vào những ngày lễ lớn, sẽ thấy mỗi nếp nhà, góc phố được điểm tô thêm hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, 30/4, 1/5… khắp các ngả đường, ngõ phố, người dân đều tự động nghiêm chỉnh chấp hành treo cờ Tổ quốc, góp phần làm tăng thêm ý nghĩa của các sự kiện trên. Tuy nhiên tại một số nơi, việc treo cờ Tổ quốc đôi khi còn mang tính hình thức, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nghi thức treo cờ.Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, phổ biến nhất là hình ảnh giá đỡ cờ “bức tử” cây xanh trên các tuyến đường như Trung Phụng, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Xã Đàn, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Mỹ Đình, Hồ Tùng Mậu... Cụ thể, các giá cờ đều được khoan thẳng vào thân cây, bị lá cây che khuất, thiếu thẩm mỹ, trang nghiêm. Đặc biệt, trên tuyến đường Xã Đàn (quận Đống Đa), khu vực trước đình Kim Liên, quốc kỳ được gắn vào một đường ống nước, bắt vít lên cây đa trước cửa đình. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).Tại đầu ngõ 44, phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng), cờ được buộc, cuốn nhiều vòng bằng dây điện trên biển đánh số ngõ, ngách của tuyến đường. Mất thẩm mỹ hơn, một số quốc kỳ được treo trên tuyến đường Trần Khát Chân lại nằm ngang, hướng ra phía mặt đường, gắn tạm bợ trên thân cây bằng băng dính hoặc đường ống nước. Hình ảnh này không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.Cần có quy hoạch cụ thểTrên địa bàn Hà Nội có nhiều tuyến phố, khu dân cư là điển hình trong việc quy hoạch các khu treo cờ mang tính thống nhất, có giá treo đỡ. Đơn cử như tại phường Việt Hưng (quận Long Biên), nhiều tổ dân phố đã triển khai lắp đặt giá treo cờ đồng bộ và thống nhất kích thước về cán cờ, lá cờ... gắn dọc hai bên các tuyến phố, ngõ trong khu dân cư, với 100% nguồn xã hội hóa. Nhờ đó đến nay, việc treo cờ Tổ quốc của người dân địa phương vào các ngày trọng đại của Thủ đô và đất nước đã trở thành thông lệ. Tỷ lệ hộ dân, nhất là các hộ hai bên trục đường chính của phường Việt Hưng thực hiện treo cờ Tổ quốc đạt tới 95%. Thay vì cứ đến dịp gần lễ Tết, các khu phố đến từng hộ dân để đôn đốc như trước đây, thì nay nhiều hộ gia đình đã chủ động treo cờ và đặc biệt người dân nói không với cờ đã cũ, bạc màu.Tuy nhiên, việc thực hiện có quy hoạch như phường Việt Hưng chưa được đồng bộ ở các địa phương của Hà Nội. "Trong khi đó, những năm gần đây, UBND TP Hà Nội khi thông báo việc treo cờ vào các ngày kỷ niệm truyền thống của Đảng, Nhà nước đã đặc biệt nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở việc treo cờ Tổ quốc ở địa bàn dân cư; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kiểm tra việc treo cờ Tổ quốc ở các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý” – nguyên Trưởng phòng hành chính (Văn phòng Thành ủy Hà Nội) Trần Ngọc Quyết cho hay.Vừa qua, Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhấn mạnh, khi treo cờ, kích thước của lá cờ phải tương xứng với cột cờ hoặc cán cờ. Cột cờ, cán cờ, dây cờ phải bảo đảm tính mỹ quan, thống nhất; nên sử dụng cán, dây có độ bền, chắc, phù hợp; lá cờ khi treo phải được là phẳng, không bị gấp nếp, nhàu; cờ được treo ở vị trí đảm bảo trang nghiêm, trọng thể. Dù vậy, không phải địa phương nào cũng đã thực hiện đảm bảo đúng tiêu chí trang trọng của hoạt động này. Các chuyên gia cho rằng, cần phải có quy hoạch, quy định mang tính thống nhất, đồng bộ về việc treo cờ Tổ quốc cho tất cả các địa phương. Có như vậy mới vừa bảo đảm nét trang nghiêm vừa mang lại mỹ quan cho đô thị.