Cảm hứng khởi nghiệp từ tre Việt
Nguyễn Văn Tuyền là một cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh (trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Sau khi ra trường, Tuyền đã từng thử qua nhiều công việc đúng chuyên ngành được học, đồng thời khởi nghiệp với một số dự án; ở vị trí nào anh cũng đều gặt hái được thành công nhất định. Tuy nhiên năm 2017, anh lại quyết định dừng tất cả để chuyên tâm với dự án khởi nghiệp sản xuất và lắp ráp xe đạp trợ lực điện. Lấy tên thương hiệu là HayBike, Tuyền đã thành công khi là người đầu tiên đưa dòng xe đạp trợ lực điện về Việt Nam. Tuy nhiên, thành công với thương hiệu HayBike lại chưa phải đích đến cuối cùng của chàng giám đốc trẻ này, bởi anh luôn khao khát làm ra một sản phẩm chinh phục được thị trường toàn cầu.
Để tạo ra được sự độc đáo cho sản phẩm, ngoài mẫu mã, Tuyền tập trung vào tìm kiếm vật liệu thay thế. Sau khi bỏ ra 2 năm nghiên cứu, Tuyền và cộng sự đã tìm ra công thức để xử lý tre, biến tre thành nguyên liệu thay thế khung kim loại. Thay vì phải ngâm tre vài năm, công nghệ mới chỉ mất 6 tiếng nhưng khung tre vẫn cứng như thép và độ dẻo hơn thép.Theo ông chủ Trevi Bike, ở Việt Nam đã có nhiều đơn vị sản xuất xe đạp từ tre, nhưng đều là dùng tre ống nguyên khối. Còn công nghệ của Trevi Bike là dùng nhiều nan tre ghép lại thành khối. Mỗi khung xe hoàn thiện phải trải qua hơn 20 công đoạn, từ việc chọn lựa những thân tre đực có tuổi đời trên 5 năm cho tới ghép phôi và mài nhẵn thành những chiếc khung xe. “Công thức xử lý nguyên liệu dựa trên nguyên lý của bó đũa.
Khi chúng ta chập nhiều nan tre lại thì sẽ tạo ra được một khối vật liệu bền vững, có độ cứng như thép và dẻo dai hơn thép. Công ty còn có một công thức riêng để loại bỏ hoàn toàn đường và chất béo ra khỏi tre, từ đó hạn chế được mối mọt, cong vênh, đáp ứng mọi điều kiện thời tiết” – Tuyền cho hay.
Ở Việt Nam, vùng nguyên liệu tre khá lớn. Hơn nữa, đây lại là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian tái tạo của cây nhanh. Do đó, việc biến tre làm vật liệu mới trong sản xuất sẽ góp phần tạo thêm kế sinh nhai cho người dân. Cá nhân hóa sản phẩmHiện nay, ngoài bán hàng trong nước, Công ty còn có showroom bán hàng tại Đức, Canada, Mỹ. Là đơn vị tiên phong đưa sản phẩm mới ra thị trường, ngoài trả giá cho những chi chí nghiên cứu, Công ty gặp nhiều khó khăn bởi rào cản tâm lý khách hàng, hoài nghi về sản phẩm. Tuy nhiên, ông chủ Trevi Bike cho rằng, đây cũng là lợi thế khi sản phẩm được tiếp cận với một thị trường riêng, có khoảng thị trường chưa được khai thác.
Theo đó, khách hàng mà Trevi Bike hướng tới là phân khúc khách hàng cao cấp, có lối sống xanh. Giá mỗi chiếc xe Trevi Bike bản thường và bản trợ lực điện có giá trung bình từ 2.000 – 2.500 USD. Pin của các dòng xe HayBike cũng được nghiên cứu, thiết kế riêng để đảm bảo độ bền cũng như thẩm mỹ phù hợp với xe đạp. Mỗi lần sạc xe có thể đi được 60 – 70km, tương đương với một chiếc xe điện thông thường.Giá trị của sản phẩm không chỉ ở vật liệu cao cấp mà còn ở chất xám tạo ra sản phẩm. Theo đó, để mang lại cảm giác thích thú, hấp dẫn khách hàng, Trevi Bike đã cá nhân hóa sản phẩm cả về thông số kỹ thuật và thẩm mỹ. Theo phân tích của Tuyền, mỗi khách hàng lại có những chỉ số hình thể như chiều cao, cân nặng, sải tay, sải chân… khác nhau. Do đó, khi thiết kế xe, công ty sẽ dựa trên thông số của từng người để thiết kế sản phẩm sao cho người dùng được thoải mái nhất.
Ngoài ra, với tính cá nhân hóa về thẩm mỹ sản phẩm, người dùng có thể thể hiện cá tính của mình. Đặc biệt, có thể khắc tên của khách hàng lên sản phẩm, tạo cảm giác sở hữu một sản phẩm riêng biệt. Công ty cũng luôn đặt sự chân thành với khách hàng lên hàng đầu. Do đó, công ty có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo sau bán hàng. Sản phẩm của công ty có thời gian bảo hành lên tới 5 năm. “Chiếc xe đạp Trevi Bike không chỉ có công năng sử dụng, mà còn đem lại cảm xúc tự hào cho người dùng” - Founder Trevi Bike cho biết.