Tri ân quá khứ, kiến tạo tương lai: Khát vọng Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Kinhtedothi - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng nhìn lại một chặng đường lịch sử hào hùng, trân trọng những giá trị thiêng liêng của độc lập, thống nhất và khát vọng phát triển dân tộc.
Đúng vào thời khắc thiêng liêng ấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng với tiêu đề: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, không chỉ khẳng định những chân lý vĩnh hằng của dân tộc ta, mà còn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên và trách nhiệm lịch sử của thế hệ hôm nay đối với tương lai đất nước.
Bài viết sâu sắc của Tổng Bí thư đã hệ thống lại những giá trị cốt lõi đã làm nên sức mạnh Việt Nam qua các thời kỳ: tinh thần độc lập, thống nhất dân tộc là chân lý bất diệt; chiến thắng 30/4 là biểu tượng rực rỡ của ý chí kiên cường, của đại đoàn kết toàn dân tộc; tri ân quá khứ để kiến tạo tương lai; đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng trong thế kỷ XXI; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Tinh thần độc lập, thống nhất dân tộc là chân lý bất diệt
Từ trong chiều sâu thăm thẳm của lịch sử, qua bao lớp sóng gió thăng trầm, có một sợi chỉ đỏ bất diệt luôn nối liền mọi thời đại của dân tộc Việt Nam – đó là tinh thần độc lập, thống nhất thiêng liêng. Tổng Bí thư Tô Lâm, bằng một tuyên ngôn vang vọng, đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tổng duyệt cấp Nhà nước chương trình diễu binh, diễu hành trong Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 27/4.
Đó không chỉ là một chân lý được khắc sâu trong từng trang sử, mà còn là tiếng gọi bất tử trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. Qua những triều đại dựng nước và giữ nước, từ Bạch Đằng đến Chi Lăng, từ Đống Đa đến Điện Biên, từ đường Trường Sơn huyền thoại đến đô thành Sài Gòn rực nắng, tinh thần ấy chưa bao giờ lùi bước. Mỗi thế hệ người Việt Nam đã nối tiếp nhau, bằng máu, bằng nước mắt, bằng lòng kiên trung son sắt, để gìn giữ sự toàn vẹn của giang sơn gấm vóc.
Tinh thần ấy không chỉ là sợi dây gắn kết triệu triệu trái tim trong khói lửa chiến tranh, mà còn là nguồn lực tinh thần vô tận nâng bước dân tộc ta trên hành trình dựng xây đất nước hôm nay. Dẫu cho thời cuộc có đổi thay, thế giới có biến động, thì tinh thần độc lập, thống nhất dân tộc vẫn như ngọn núi sừng sững, như dòng sông cuồn cuộn chảy, bất biến trong lòng Việt Nam.
Chính nhờ sức mạnh từ chân lý ấy, dân tộc ta đã vượt qua mọi thử thách khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và vững vàng đi tới từng thắng lợi vĩ đại. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đầy phức tạp, lời nhắc nhở của Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hứa thiêng liêng: dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn luôn là một khối thống nhất không thể chia cắt, một dân tộc chung vận mệnh, chung khát vọng, chung tương lai.

Chiến thắng 30/4 là biểu tượng rực rỡ của ý chí kiên cường, của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tinh thần đó sẽ tiếp tục là cội nguồn sức mạnh, là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta vững bước trong Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên mà mỗi người Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, đều cùng chung một trái tim, một niềm tự hào, một khát vọng dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường.
Biểu tượng rực rỡ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Nếu tinh thần độc lập, thống nhất là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, thì chiến thắng 30/4/1975 chính là đóa hoa rực rỡ nhất nở bừng trên dòng chảy ấy – một khúc tráng ca của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đầy tự hào: “Chiến thắng 30/4/1975 là bản anh hùng ca của ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình”.
Chiến thắng ấy không chỉ là dấu mốc khép lại hơn 30 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân và đế quốc, mà còn là sự khẳng định hùng hồn với toàn thế giới: một dân tộc nhỏ bé, nhưng nếu có chính nghĩa, có lòng yêu nước nồng nàn, có khát vọng hòa bình cháy bỏng và sự đoàn kết bền chặt, thì sẽ chiến thắng mọi thế lực hùng mạnh nhất.

Những ngày qua, đông đảo người dân cả nước đã về TP Hồ Chí Minh xem tập luyện diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là chiến thắng của hàng triệu bàn tay, khối óc và trái tim Việt Nam cùng chung một nhịp đập vì độc lập, tự do. Là máu của những chiến sĩ ngã xuống trên những chiến trường ác liệt từ miền Bắc vào Nam; là nước mắt của những bà mẹ tiễn con ra trận không hẹn ngày về; là sự bền gan vững chí của hậu phương nuôi quân giữa mưa bom bão đạn; là khí phách hiên ngang của những người con thành phố, nông thôn, núi rừng, biển đảo, cùng hội tụ thành sức mạnh vô song.
Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của cả một dân tộc đã từ cát bụi đứng dậy, từ chia cắt đi đến đoàn viên, từ những bản làng xa xôi đến đô thị rực rỡ, cùng hòa chung khát vọng “nước non liền một dải”. Chiến thắng ấy đã thắp lên niềm tin rằng: không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của một dân tộc đoàn kết.
Ngày hôm nay, trong từng nhịp sống sôi động, trong từng công trình vươn cao giữa bầu trời xanh, trong từng ánh mắt rạng ngời của thế hệ trẻ, chiến thắng 30/4 vẫn hiện hữu như một dòng chảy ngầm bất tận. Khúc khải hoàn ấy tiếp tục thôi thúc chúng ta kiên định tiến bước, tiếp nối ý chí sắt đá của cha ông, để dựng xây đất nước trong hòa bình, trong hội nhập, trong niềm tự hào và khát vọng không bao giờ tắt.
Tri ân quá khứ để kiến tạo tương lai, viết tiếp bản hùng ca mới
Chiến thắng 30/4 là niềm tự hào vô tận, nhưng đó cũng là lời nhắc nhở đầy xúc động về trách nhiệm thiêng liêng mà thế hệ hôm nay phải gánh vác. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một tư tưởng sâu sắc: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển”.
Tri ân không chỉ bằng những giọt nước mắt cảm động trong những ngày lễ lớn. Tri ân phải bằng những hành động cụ thể để tiếp nối những giá trị vĩ đại mà lịch sử đã để lại. Tri ân là không để những hy sinh của cha anh trở nên vô nghĩa, là biến lòng biết ơn thành động lực sáng tạo, thành khát vọng vươn mình, thành cam kết sắt son với tương lai đất nước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Trong dòng chảy hối hả của thời đại mới, hàng triệu người trẻ Việt Nam đang từng ngày hiện thực hóa lời hứa danh dự đó. Những kỹ sư trẻ đang miệt mài nghiên cứu công nghệ mới tại các khu công nghệ cao ở Hòa Lạc (Hà Nội), ở TP Hồ Chí Minh; những doanh nhân khởi nghiệp không ngại thử thách để đưa sản phẩm “Made in Vietnam” ra thế giới; những nhà khoa học ngày đêm bền bỉ, âm thầm đóng góp vào các công trình nghiên cứu quốc gia; những vận động viên nỗ lực giành vinh quang trên đấu trường quốc tế; những sinh viên, học sinh miệt mài học tập với khát vọng đóng góp cho đất nước...
Tất cả họ, bằng chính mồ hôi, trí tuệ và lòng yêu nước âm thầm mà mãnh liệt, đang viết tiếp bản trường ca Việt Nam – bản trường ca của sáng tạo, của đổi mới, của hội nhập và khẳng định bản lĩnh dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu.
Chúng ta nhìn thấy trong những công trình trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang từng ngày thành hình; những tuyến cao tốc Bắc – Nam trải dài nối liền đất nước; những trung tâm khởi nghiệp công nghệ hiện đại ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... là hình ảnh sống động nhất của một Việt Nam đang kiến tạo tương lai trên nền tảng tri ân quá khứ.

Chương trình nghệ thuật giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể "Linh Lang - Khí thiêng hội tụ - Long Biên tỏa sáng". Ảnh: Phạm Hùng
Chúng ta cũng cảm nhận tinh thần ấy trong những nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa, lan tỏa giá trị Việt Nam ra thế giới qua từng bộ phim, tác phẩm văn học, vở múa, triển lãm nghệ thuật… Những hình ảnh giản dị nhưng lay động ấy chính là minh chứng rằng, mỗi công dân Việt Nam hôm nay đang là một "người viết sử" bằng chính hành động của mình – viết nên những trang sử mới sáng ngời cho quê hương.
Tri ân quá khứ, không phải để lùi lại trong hào quang cũ, mà để vững bước tiến lên phía trước, với một tâm thế chủ động, bản lĩnh và tràn đầy khát vọng. Đó là trách nhiệm, là mệnh lệnh từ trái tim, là lời hứa thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với những thế hệ đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng
Nếu bản anh hùng ca 30/4/1975 là khúc khải hoàn của ý chí thống nhất và lòng yêu nước, thì bản trường ca của thế kỷ XXI mà dân tộc ta đang viết tiếp chính là bản hòa ca của đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đầy kỳ vọng: “Nửa thế kỷ sau, dân tộc ấy đang tiếp tục viết nên bản hòa ca mới – bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ”.
Thế giới hôm nay đang chuyển động với tốc độ chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, kinh tế số và năng lượng sạch, đang tái định hình mọi mô hình phát triển. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy thời đại. Muốn vươn mình, muốn khẳng định vị thế, không còn con đường nào khác ngoài đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, phát huy tối đa trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Sản xuất xe hơi tại Nhà máy ô tô VinFast. Ảnh: Phạm Hùng
Nhìn vào thực tiễn, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào: Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... đã mở ra những cánh cửa rộng lớn, giúp Việt Nam kết nối sâu rộng hơn với thế giới. Không chỉ xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam còn đang từng bước xuất khẩu trí tuệ, công nghệ, văn hóa – những giá trị làm nên bản sắc và sức mạnh mềm của dân tộc.
Trên các bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam liên tục thăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), về năng lực cạnh tranh toàn cầu, về môi trường kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) ngày càng gia tăng, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã thành công không chỉ trong nước mà cả trên các thị trường quốc tế. Những cái tên như VNG, VinFast, FPT, Viettel, MoMo... đang từng bước khẳng định thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới.
Nhưng hành trình vươn mình ấy không phải là con đường trải hoa hồng. Đó là hành trình đòi hỏi sự dũng cảm thay đổi tư duy, đột phá thể chế, sáng tạo mô hình phát triển, và hơn hết là bồi đắp sức mạnh nội sinh – sức mạnh của văn hóa, con người, trí tuệ Việt Nam.

Tòa nhà trụ sở Viettel. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng, trong kỷ nguyên mới, "cần có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới". Đó là lời nhắc nhở, đồng thời cũng là lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: phải chủ động, phải bản lĩnh, phải đổi mới mạnh mẽ từ gốc rễ – từ cách nghĩ, cách làm, đến cách tổ chức, vận hành đất nước.
Và hơn hết, chúng ta cần bền bỉ nuôi dưỡng khát vọng lớn: khát vọng sánh vai cùng các cường quốc năm châu, khát vọng đưa đất nước bước vào hàng ngũ những quốc gia phát triển trong thế kỷ XXI. Để thực hiện khát vọng ấy, không thể chỉ dựa vào tiềm lực vật chất, mà phải dựa trên sự bứt phá về trí tuệ, sự phát triển bền vững về văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ.
Việt Nam hôm nay, bằng sức mạnh của lòng yêu nước bất diệt, tinh thần đoàn kết vững bền, ý chí vươn mình không mệt mỏi, đang tự tin bước ra thế giới với tâm thế của một dân tộc từng chiến thắng trong những cuộc chiến khốc liệt nhất, và giờ đây quyết tâm chiến thắng trong cuộc đua phát triển của thời đại mới.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường
Trong dòng chảy cuộn trào của thế giới hôm nay, khi các quốc gia không ngừng cạnh tranh về trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh quốc gia, Việt Nam không thể chỉ tự hào về quá khứ, mà còn phải tự hào về tương lai mà chúng ta kiến tạo. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh thông điệp truyền cảm ứng: “Không một người Việt Nam chân chính nào lại không mong đất nước mình ngày càng hùng cường, thịnh vượng sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Khát vọng đó không phải điều gì xa vời. Nó đang nảy mầm trong từng giảng đường đại học, trong từng nhà máy công nghệ cao, trong từng trung tâm nghiên cứu khoa học, trong những chuyến tàu chở hàng ra biển lớn, trong từng giọt mồ hôi của người lao động nơi công trường, trên những sân khấu nghệ thuật và trong từng trái tim Việt Nam kiên cường giữa năm châu bốn bể.

Học sinh Trường THCS Cầu Giấy nhuộm đỏ sân trường bởi màu cờ Tổ quốc. Ảnh: Nam Du
Khát vọng ấy chính là nguồn năng lượng nội sinh mạnh mẽ nhất để Việt Nam bứt phá. Một đất nước hùng cường không chỉ được đo bằng những con số GDP, mà còn bằng phẩm giá của con người Việt Nam, bằng sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bằng vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.
Muốn hiện thực hóa khát vọng ấy, yêu cầu đặt ra là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc – cội nguồn sức mạnh đã làm nên mọi chiến thắng trong lịch sử. Mỗi người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, dù ở bất kỳ cương vị nào, đều có trách nhiệm chung tay vì sự phồn vinh của đất nước.
Chúng ta phải khơi dậy và nuôi dưỡng mạnh mẽ ý chí vươn lên trong mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Phải làm cho mỗi thanh niên Việt Nam hôm nay ý thức sâu sắc rằng: được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, được thừa hưởng thành quả cách mạng vĩ đại là một vinh dự, đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm đó không chỉ dừng lại ở việc học tập, lao động, sáng tạo, mà còn phải biết gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam, để giữa hội nhập toàn cầu, hồn Việt vẫn ngân vang bền bỉ.
Từ bài học của quá khứ, chúng ta càng thấu hiểu rằng: chỉ có đoàn kết mới làm nên sức mạnh; chỉ có khát vọng mới thúc đẩy phát triển; chỉ có trí tuệ, bản lĩnh và lòng yêu nước cháy bỏng mới giúp dân tộc Việt Nam vươn tới đỉnh cao của thời đại.
Dưới ngọn cờ của Đảng, với khát vọng Việt Nam hùng cường, với niềm tin sắt đá vào sức mạnh của dân tộc, toàn thể Nhân dân Việt Nam hôm nay, cũng như những thế hệ mai sau, nhất định sẽ cùng nhau viết tiếp những trang sử vẻ vang mới. Nhất định sẽ dựng xây một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, giàu mạnh, văn minh – một Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng 21/4, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì Gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu tướng lĩnh, anh hùng và các lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ nhìn lại chặng đường 50 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng những chiến công, thành tích đã đạt được của các thế hệ đi trước.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có bài viết: "NƯỚC VIỆT NAM LÀ MỘT, DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ MỘT". Báo Tin tức và Dân tộc (Thông tấn xã Việt Nam) trân trọng giới thiệu bài viết đặc biệt này.