Trí tuệ thăng hoa sá chi tuổi tác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Xuân trước hết là mùa của tuổi thanh xuân. Nhưng không chỉ có vậy. Giờ đây, ở thế kỷ XXI, mùa Xuân còn là mùa của “tuổi già xanh”, của những tài năng sáng tạo dường như “không có tuổi”!

Trí tuệ thăng hoa sá chi tuổi tác - Ảnh 1
Phiếm đàm về tuổi bách niên

Cách chúng ta hơn 13 thế kỷ, thi hào Ðỗ Phủ (712-770) có cái nhìn khá bi quan khi viết Khúc giang nhị thủ :
Triều hồi, nhật nhật điển xuân y

Mỗi nhật giang đầu tận túy quy

Tửu trái tầm thường hành xứ hữu

Nhân sinh thất thập cổ lai hy…
Cứ mỗi lần vào cung chầu vua trở về, thì lại đem cái áo triều lộng lẫy vua ban đi cầm cố ngay (để lấy tiền mua rượu)! Nhà thơ say túy lúy mỗi khi trở về đầu bến sông, nơi nao  đi qua cũng nợ tiền mua rượu, bởi vì ông cảm thấy cuộc đời này quá ngắn ngủi, chẳng mấy ai sống tới tuổi bảy mươi!

Trong Di chúc viết năm 1969, Bác Hồ dịch câu thứ tư là: “Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”.

Tản Ðà dịch thành thơ:

Khỏi bệ vua ra, cố áo hoài

Bến sông say khướt tối lần mai

Nợ tiền mua rượu đâu không thế

Sống bảy mươi năm đã mấy người?...

Do những bước tiến rất xa của y học, ngày nay, số người hưởng thọ bảy mươi không còn “hiếm” nữa.

Ðỗ Phủ mất năm 58 tuổi, vào đời nhà Ðường, ở thế kỷ thứ VIII. Thế nhưng hiện nay, tại một số nước như Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của người dân đã lên tới hơn 80, và số người sống tới 90-100 không còn quá hiếm. Cái quan niệm cố hữu cho rằng tuổi già là tuổi của sự ốm đau quặt quẹo, của cách nhìn đời chán chường chua chát có lẽ không còn đúng nữa! Con người rất nên và rất có thể - như nhiều nhà lão khoa khẳng định - sống một “tuổi già đẹp”, hay còn gọi “tuổi già xanh”, có hạnh phúc cho mình và có ích cho xã hội.

Không ai tìm thấy thuốc trường sinh để sống mãi trên thế gian này! Nhưng mọi người đều có thể sống đẹp, sống vui cho đến giây phút cuối cùng và, cho đến giây phút ấy, vẫn giữ trọn tình yêu cuộc sống…

Ðầu năm 1997, tôi về hưu tại Báo Nhân Dân, nhưng chỉ ít lâu sau, tôi được bác Hữu Ngọc, chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí tiếng Anh Vietnam Cultural Window (Cửa sổ Văn hóa Việt Nam) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mời về làm “phó” cho bác ấy, bởi vì bác sinh năm 1918, tính đến năm 1997, thọ bát tuần rồi, nhưng vẫn còn… quá bận!
Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán nhận giải thưởng "Bùi Xuân Bái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2014.
Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán nhận giải thưởng "Bùi Xuân Bái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2014.
Làm việc bên cạnh bác Ngọc gần hai thập niên, ngoài công việc chuyên môn, tôi chú ý tìm hiểu “bí quyết trường sinh” của bác ấy! Mới đây thôi, khi đã ngót bách niên, mỗi tuần bác vẫn đều đặn viết 3 bài báo: 1 bài bằng tiếng Anh cho tờ Việt Nam News Sunday , 1 bài tiếng Pháp cho tờ Le Courrier du Vietnam Dimanche, và 1 bài tiếng Việt cho tờ Sức Khỏe và Ðời Sống. Ðáng ngưỡng mộ quá đi thôi! Hậu duệ của một dòng họ trí thức Nho gia đất Kinh Bắc quả là có khác!

Sáng 1/1/2015, tôi đi xe máy xuống phố Ðại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thăm nhà nghiên cứu Hán - Nôm Vũ Tuấn Sán. Ông thọ 101 tuổi mà vẫn tỉnh táo, vui vẻ tiếp chuyện tôi, cùng với người con gái của ông là kỹ sư Vũ Uyển Hàm mà tôi quen biết từ hồi Uyển Hàm tình nguyện đi tham gia xây dựng kinh tế miền núi ở nông trường Mộc Châu vào thập niên 60 thế kỷ trước.

Thế đấy, ngày nay, tuổi bách niên không còn là ảo vọng! Nhưng, muốn sống lâu mà vẫn khỏe, vẫn sáng suốt, vẫn sáng tạo, thì có lẽ phải thực hành phép dưỡng sinh, mà hiệu quả nhất - theo hiểu biết hạn hẹp của tôi - vẫn là luyện khí công - thiền định. Hành thiền sâu giúp ta loại bỏ tham, sân, si, giũ sạch bụi trần, đạt tới sự tĩnh tâm trong lặng, khiến cho ta đôi khi dường như thưởng thức được “hương vị phảng phất của Niết Bàn”, như lời nhà thiên văn học - nhà văn Trịnh Xuân Thuận đã viết ở cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay …

Tuổi tám mươi, vẫn có kết quả nghiên cứu công bố quốc tế

Bây giờ tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một nhà nghiên cứu “trẻ” hơn: anh Ðào Vọng Ðức. Tôi vẫn quen gọi “anh” mặc dù sang năm 2016 này, “anh” đã chẵn 80 “tuổi Tây” vì sinh năm 1936. Hai chúng tôi là bạn học từ thời trung học cơ sở tại Trường Tân Dân ở huyện Nam Ðàn, rồi trung học phổ thông tại Trường Huỳnh Thúc Kháng ở huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954.
Nhà nghiên cứu Đào Vọng Đức
Nhà nghiên cứu Đào Vọng Đức
 
Cuối năm 2015, anh Ðào Vọng Ðức tặng tôi hai cuốn sách chuyên khảo do anh cộng tác với anh Phù Chí Hòa ở Ðại học Ðà Lạt viết và in tại Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật: Lý thuyết tương đối rộng với không-thời gian đa chiều; và Từ lý thuyết lượng tử đến máy tính lượng tử.

Trong Lời nói đầu cuốn thứ nhất, hai tác giả nhận định:

“Nghiên cứu bản chất của không-thời gian vẫn là vấn đề cốt lõi nhất của vật lý hiện đại, đặc biệt đối với việc xây dựng các mô hình lý thuyết đại thống nhất các tương tác. Các mô hình xây dựng trên nền tảng lý thuyết lượng tử và lý thuyết tương đối rộng đã chứng tỏ rằng ngoài 4 chiều không gian - thời gian thông thường, nhất thiết phải có thêm các chiều phụ trội. Nghiên cứu bản chất các chiều phụ trội là một lĩnh vực có tính thời sự đặc biệt.

Cuốn sách này nhằm mục đích trang bị vốn kiến thức nền tảng về lý thuyết tương đối rộng 4 chiều và cập nhật một số nguyên lý cơ bản về lý thuyết tương đối rộng về các chiều phụ trội. Ðối tượng chính là sinh viên chuyên ngành vật lý lý thuyết, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực này”.
Trong Lời nói đầu cuốn sách thứ hai, hai tác giả đánh giá:
Nhà báo Hàm Châu
Nhà báo Hàm Châu
“Những thập kỷ gần đây đã chứng kiến những bước tiến ngoạn mục của khoa học và công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Nhiều hướng nghiên cứu mới đang hình thành và trên đà phát triển rất sôi động, trong đó có máy tính lượng tử cùng với viễn chuyển lượng tử và thông tin lượng tử. Nhiều ý kiến nhận định rằng đó sẽ là thành tựu vĩ đại nhất của thế kỷ XXI, sẽ tạo ra những bước nhảy vọt không những trong khoa học và công nghệ, mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ðây là cuộc viễn chinh khoa học đầy hứa hẹn, ở đó hội tụ các thành tựu của những phát minh có ý nghĩa bậc nhất trong khoa học và công nghệ thế kỷ XX - Thuyết tương đối và Máy tính.

Nhận định chung cho rằng sự ra đời của Thuyết lượng tử đã tạo nên “đợt sóng thần” ngày càng dâng cao trong khoa học thế kỷ XX-XXI với những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống con người, có tác dụng rất lớn đối với sự tôn vinh nhân loại”.

Ðiều đặc biệt khiến tôi cảm phục sức khám phá, sáng tạo của anh Ðào Vọng Ðức là anh đã cùng với các cộng sự như Nguyễn Mộng Giao, Phù Chí Hòa, Trần Thanh Dũng, liên tiếp công bố 5 bài báo khoa học trong hai năm 2013 và 2014 trên các tạp chí vật lý hàng đầu thế giới như Journal of Modern Physics (Tạp chí Vật lý hiện đại), Journal of  Physical Science and Applications (Tạp chí Khoa học Vật lý và Ứng dụng) xuất bản ở Mỹ; cũng như trên International Journal of Theoretical Physics (Tạp chí Quốc tế về Vật lý lý thuyết) do Springer Science và Business Media công bố cùng một lúc ở New York và nhiều nơi khác.
Trí tuệ thăng hoa sá chi tuổi tác - Ảnh 2
Nội dung 5 bài báo khoa học ấy để cập những vấn đề cốt lõi, trừu tượng bậc nhất trong vật lý học hiện đại. Ðó các chiều dư không-thời gian (space-time extradimensions) ngoài 4 chiều thông thường mà mọi người cảm nhận được - còn gọi là các chiều phụ trội - cũng như đề cập tới hạt tachyon có vận tốc cao hơn vận tốc ánh sáng! Không phải đưa ra ý tưởng chung chung, tư biện như các nhà thơ  hay nhà triết học, mà diễn đạt, chứng minh bằng các phương trình toán-lý chặt chẽ.

Tất nhiên, trước khi công bố, các tạp chí danh tiếng nói trên đều cẩn trọng thông qua sự phản biện nghiêm túc của hội đồng biên tập và của các cộng tác viên là những chuyên gia có uy tín cao ở nhiều nước trên thế giới. Các công trình kể trên đã được trích dẫn nhiều.

Tất nhiên, GS, TSKH Ðào Vọng Ðức,  Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới Thứ ba, là một nhà vật lý lý thuyết kỳ cựu, được quốc tế biết tiếng. Thế nhưng, nay đã đến tuổi bát tuần, vậy mà vẫn  còn đủ hiểu biết và tài năng để khám phá cái mới - nhất là cái mới có tính cốt lõi trong khoa học -  chưa chịu “rửa tay gác kiếm”, thì đó chính là điều khiến ta ngạc nhiên và cảm phục…