Triển khai biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch Covid-19: Rút kinh nghiệm địa phương bạn

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc lãnh đạo TP Hà Nội cho họp khẩn ngay trong đêm 23/7 để quyết định cho TP thực hiện ngay tức việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chị thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 ngay 6 giờ sáng hôm sau ( 24/7) là rất đúng. Đặc biệt khi “chống dịch xem như cứu hỏa” và “như chống giặc”, tức là phải có những quyết định dứt khoát và tức thời phù hợp tình hình thực tế.

Đúng khi mà trước đó, tại một số điểm nóng tại các tỉnh, thành phía Nam, chúng ta lại có một “độ doãng” nhất định khi để sau khi bàn, mà nhiều khi thời gian bàn lại kéo dài những hơn một ngày, mới ban hành, triển khai thực hiện Chỉ thị số 16. Đó là điều có lẽ chưa thật ổn.
Tuy nhiên, do trong tình huống rất bất ngờ như vậy, cũng lại cần có độ mềm dẻo nhất định khi vận dụng Chỉ thị nói trên, nếu không, những hướng dẫn “không ra đường khi không thật cần thiết” và sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng đôi lúc cũng khiến người dân sẽ băn khoăn hoặc tìm cách để “lách”. Bởi thế nào là ”không thật cần thiết?”, nên người dân đã nghĩ ra muôn vàn lý do “thật cần thiết” của mình để tránh bị phạt.
Tôi có một số suy nghĩ muốn đề xuất như sau: Thứ nhất, hiện đất nước ta đã bước vào đợt dịch thứ 4. Các Chỉ thị của Chính phủ ban hành hầu như dân đều nắm được, tuy chỉ tương đối, vì nó khá dài. Vì thế nên chúng ta cần lập thành các bảng biểu sao cho bắt mắt, ngắn gọn, dễ hiểu, rồi in, dán nhiều nơi. Thực tế, chính các cơ quan báo chí đã làm việc này khi họ biến các chỉ thị thành các Infograpic, các bảng biểu để thu hút và phục vụ bạn đọc. Nhưng đó là dưới góc độ của cơ quan truyền thông, còn về phía các cơ quan chính quyền cũng nên làm việc này. 
Việc tuyên truyền cũng từ những bảng vẽ nói trên, đồng thời nó cũng dễ hình dung nếu có so sánh sự khác nhau và giống nhau giữa Chỉ thị 15 với Chỉ thị 16; những điều nên làm, không nên làm trong thời điểm dịch. Thế là người dân sẽ dễ tiếp thu hơn các nội dung liên quan mà văn bản muốn truyền đạt.
Với các đơn vị chức năng ở cơ sở, Công điện, Chỉ thị dài, nêu rõ từng việc, từng vấn đề phải triển khai, thậm chí càng kỹ càng tốt, lại rất cần thiết. Khi đó, các đơn vị cơ sở sẽ in ra, để vận dụng, tránh chuyện hiểu chưa kỹ, chưa cặn kẽ hoặc áp dụng máy móc…
 Khu vực hồ Gươm vắng lặng trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh. Ngọc Tú
Thứ hai nữa, tôi cũng xin đề cập đến việc TP Hà Nội chúng ta đang chuẩn bị bắt đầu tổ chức chiến dịch triển khai tiêm chủng cho dân với 5,1 triệu liều vaccine được phân bổ cho TP theo hướng dẫn mức độ ưu tiên khác nhau (13 cấp độ). Điều này là rất cần thiết và được người dân chờ đợi. 
Thế nhưng ngoại trừ vài ba đối tượng ưu tiên cấp độ đầu là rất đúng, có một đối tượng khác, họ là người lao động phổ thông trong xã hội, song nhiều khi lại rất cần có họ trong các công việc thường nhật, đặc biệt là thời điểm giãn cách xã hội, đó là người vận chuyển hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, là lái xe taxi, trong đó có dạng như hình thức grab. Các đối tượng tôi xin tạm dùng chung từ shippers để nói đến người làm dịch vụ đưa đồ, chở khách, nhưng họ là những người có đăng ký với một doanh nghiệp quản lý, nên cũng dễ theo dõi khi cần truy vết. Cùng với đó, thậm chí vài ba lĩnh vực dịch vụ khác có tiếp xúc với khách hàng như nhân viên môi trường... có lẽ cũng cần được quan tâm cho tiêm trước.
Nếu mấy đối tượng nói trên nếu được tiêm sớm hơn nữa (hiện họ là đối tượng thứ 11/13 đối tượng được ưu tiên), tôi tin rằng sẽ giúp ít nhiều cho TP trong lưu thông hàng hóa dễ hơn, bởi ở một góc độ, có thể xem như đó chính là chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất - cửa hàng bán lẻ - người dân. Có lẽ, chính nhờ thế mà gián tiếp bớt đi khá nhiều lượng người đi ra đường mua sắm. Quy định “chỉ ra đường khi thật cần thiết” trong phòng dịch cũng sẽ được thực hiện đúng, bớt bị sự nói dối không cần thiết cho khỏi bị phạt, bởi không ai lại muốn bị phạt lúc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần