Triển khai các dự án đường giao thông còn thiếu đồng bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Quốc hội ngày 11/6, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2.108 kiến nghị. Nội dung kiến nghị đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung vào các vấn đề như: Rà soát quy hoạch nhà máy thuỷ điện và an toàn đập thủy điện, thuỷ lợi; cung cấp điện cho nông thôn, hải đảo, miền núi, minh bạch giá điện; tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp và ngư dân việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng giao thông đường bộ, xử lý vi phạm an toàn giao thông...

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Về kết quả giám sát đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian qua Nhà nước đã dành nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Trong đó đã tập trung cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, nhiều cây cầu được xây dựng, trong đó đã quan tâm đề ra nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cầu dân sinh ở các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã và đang triển khai xây dựng xây dựng 187 cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh, miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Đồng thời, để đảm bảo tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng, yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường công tác quản lý thực hiện dự án; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất để rà soát, chấn chỉnh, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng công trình. Đối với công trình giao thông để xảy ra khuyết điểm về chất lượng, đã kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng, chủ đầu tư kiểm tra đánh giá đúng nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục.

Trong năm vừa qua, nhiều công trình dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy vậy, trong quá trình tổ chức triển khai các dự án đường giao thông còn thiếu đồng bộ giữa trọng tải cầu và đường gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kết hợp khi thi công giữa các công trình giao thông với các công trình điện, nước và đường quốc lộ với đường dân sinh có nơi chưa đồng bộ, gây khó khăn cho sinh hoạt, đời sống của người dân. 

Ngoài ra, công tác bảo đảm an toàn giao thông dù đã có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đã giảm cả về số vụ, số người chết, và số người bị thương, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng vẫn còn xảy ra, nhất là an toàn giao thông khu vực nông thôn, đường sắt. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các ngành, các cấp phải tiếp tục có hành động quyết liệt, đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể, tiến hành đồng bộ để giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần