Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai chương trình Sữa học đường: Góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Hà Nội

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em (TE) mẫu giáo và học sinh (HS) tiểu học trên địa bàn Hà Nội được các quận, huyện, phòng GD&ĐT, nhà trường ủng hộ bởi ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những băn khoăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Hà Nội hỗ trợ 50% chi phí cho trẻ em tham gia chương trình Sữa học đường. Ảnh: Minh Anh
Hơn 3,9 triệu trẻ được hưởng thụ
Hiện nay, tại Hà Nội, tình trạng suy dinh dưỡng ở TE thể thấp còi còn cao, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Trong khi đó, lại gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân, béo phì lứa tuổi học đường trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng.
Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực không hợp lý, chế độ ăn mất cân đối. Chất lượng các bữa ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu để phát triển tối đa tiềm năng của trẻ. Việc chưa lựa chọn và sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nuôi trẻ không đúng cách cũng dẫn đến một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng ở lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Trước thực tế này, ngày 5/7/2018, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 06 Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc TE mẫu giáo và HS tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, TE mẫu giáo và HS tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học, mỗi lần uống 1 hộp 180ml. Sẽ có khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 HS tiểu học được hưởng thụ.
Đề án đặt ra mục tiêu, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần TE mẫu giáo và HS tiểu học đạt trên 40% và đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D. Và sẽ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở TE mẫu giáo và HS tiểu học xuống dưới 5,5%. Đồng thời, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở TE mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở HS tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%.
Sữa học đường tạo sự bình đẳng, sẻ chia
Theo Nghị quyết của HĐND, ngân sách hỗ trợ cho Chương trình Sữa học đường 30%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh HS đóng góp 50%. Riêng TE mẫu giáo và HS tiểu học thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách được ngân sách hỗ trợ 50%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Đề án nhân văn này được đa số các quận, huyện, phòng GD&ĐT, nhà trường đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương, nhà trường đang có những băn khoăn. Đối với những trường ở các quận nội thành, diện tích chật hẹp rất khó để bố trí kho bảo quản sữa.
Những huyện như Thường Tín số HS bán trú chưa nhiều, trường rất khó thực hiện đạt 90%. Hay việc trẻ uống sữa tươi lạnh vào mùa đông sẽ không đảm bảo sức khỏe. Hay nhà trường phải bỏ thêm kinh phí để dọn vỏ hộp lớn cũng là băn khoăn của nhiều trường trên địa bàn. Tuy nhiên, đây không phải là những vấn đề khó giải quyết.
Để Chương trình Sữa học đường triển khai đạt hiệu quả, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, thị xã, phòng GD&ĐT, các nhà trường quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, quản lý, giáo viên hiểu được tính nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của đề án. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền vận động cha mẹ HS tham gia: “Tôi đề nghị hiệu trưởng các trường trực tiếp trao đổi những nội dung cụ thể đến cha mẹ HS và triển khai việc đăng ký tham gia đề án, tránh việc khoán trắng cho giáo viên chủ nhiệm” – ông Dũng nhấn mạnh.
Và theo ông Dũng, "hiện nay có những trường, phụ huynh có điều kiện cho con dùng sữa ngoại chất lượng cao nhưng Sữa học đường tạo nên sự bình đẳng, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong các tập thể lớp HS, nhà trường, toàn ngành. Vì thế, việc tuyên truyền đến cha mẹ học sinh cần được quan tâm đúng mực”.