Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng nhanh giờ nào, tốt giờ đó

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hiện nay người dân đang mong chờ chính sách vào cuộc sống. Vì thế, ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân. Cơ quan nào, địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân.

Đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian
Chiều 7/7, Bộ LĐTB&XH tổ chức Họp báo công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung – Chủ trì họp báo, cho biết, hôm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Đồng thời thông tin về việc, Nghị quyết số 68 mới ban hành từ ngày 1/7, nhưng Bộ LĐTB&XH đã họp với các bộ ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... để tiếp thu ý kiến xây dựng thực hiện các biện pháp hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và Ủy ban các vấn đề xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tinh thần thực hiện Nghị quyết 68 là quyết tâm, quyết liệt nhưng quan trọng hơn là đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn tối đa về thời gian. Ảnh: Thủy Trúc.
“Tinh thần làm việc quyết tâm, quyết liệt nhưng quan trọng hơn là đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn tối đa về thời gian, với phương châm thông thoáng nhất để NLĐ, NSDLĐ tiếp cận nhanh nhất nhưng đảm bảo đúng luật. Cái gì luật quy định thì phải chấp hành; cái gì Thủ tướng chính phủ, Chính phủ cho vận dụng thì vận dụng tối đa” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Thông tin về những điểm mới trong Nghị quyết số 68, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Nghị quyết số 68 tập trung hỗ trợ đối tượng NLĐ và NSDLĐ để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Về điều kiện hỗ trợ, giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 68 bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động và người dân. Ảnh: Thủy Trúc. 

Nghị quyết 68, bổ sung nhiều chính sách mới như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Nghị quyết giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).
Ai, cơ quan, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Đến giờ này người dân đang mong chờ, đang ngóng từng ngày để đưa quyết định vào cuộc sống, đặc biệt là lực lượng lao động tự do, lao động trực tiếp. Do đó có thể nói: Ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân. Cơ quan nào, địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân.
“Mấy hôm nay chúng ta nhìn hình ảnh các cháu bé đi cách ly, những người dân đang điều trị Covid-19, người bị cách ly đang rất khó khăn để lo bữa ăn. Rồi, người dân xếp hàng dài, nhất là những NLĐ trực tiếp, lao động tự do để nhận những bữa cơm miễn phí. Ngày hôm nay, người dân TP Hồ Chí Minh xếp hàng dài để mua hàng hóa, mua nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới phòng chống dịch. Vì thế, rất cần kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ đối với NLĐ và người dân đang gặp khó khăn hiện nay” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động nói.
 Người lao động tự do đang nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng tại quận Hà Đông năm 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong điều kiện hiện nay, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, không thể kết thúc ngày một, ngày hai, nhất là những khu vực, lĩnh vực đã bị ảnh hưởng sâu trong thời gian qua như du lịch, vận tải, hàng không, nhà hàng, khách sạn, những người lao động trực tiếp. Chính vì vậy, cho thấy rất cần sự chung tay, sự hỗ trợ nhanh của Nhà nước, của cộng đồng dân cưc cho NLĐ làm việc chân tay; rất cần những cây ATM gạo, gian hàng 0 đồng, để chia sẻ khó khăn đối với những người yếu thế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, có một nguy cơ rất cao đó là dịch bệnh sẽ tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, các DN đông công nhân. “TP Hồ Chí Minh 1,6 triệu công nhân, Bình Dương 1,2 triệu công nhân, Bình Dương 1 triệu công nhân. Chỉ 3 địa bàn này đã chiếm ¼ lực lượng lao động cả nước cho thấy tính chất mức độ của dịch bệnh nguy hiểm như thế nào. Do đó để kiểm soát tốt những địa bàn này sẽ góp phần vào thành công trong chống dịch cả nước. Và việc đó đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp”- người đứng đầu ngành LĐTB&XH nói.
Nhưng muốn như vậy thì phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là chú trọng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ tự do, người không có tích lũy, không thu nhập. Chúng ta chống dịch nhưng không để người dân nào bị đói, bị đứt bữa và không để để xảy ra tình trạng tiêu cực, mất ổn định chính trị.
Vì thế, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ các chính sách được cụ thể hóa một cách chi tiết nhất, cách thức thực hiện, thời gian tiến hành, quy trình giải quyết, phân cấp phân quyền rất rõ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là chủ tịch UBND cấp tỉnh huyện. Quyết định giản đơn tối đa các thủ tục hành chính; tiết kiệm tối đa về thời gian, ví dụ thời gian để giải quyết thủ tục tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất thời gian từ 25 ngày (Nghị quyết 42) nay còn 5 ngày, từ 3 thành phần hồ sơ, nay còn có 1. Vì thế, sau quyết định của Thủ tướng sẽ thực hiện luôn, không cần phải ra văn bản nào nữa, có chăng chỉ là giải đáp pháp luật.
Với tinh thần như vậy, việc triển khai chính sách của chúng ta càng nhanh giờ nào càng tốt giờ đó. “Việc Bộ LĐTB&XH họp báo hôm nay truyền đi thông điệp rất nhanh là Chính phủ lúc nào cũng hướng về người dân, lo cho người dân, bằng mọi giá phải đảm bảo cuộc sống cho người dân về an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân” – Bộ trưởng Đào ngọc Dung nói.