Việc tổ chức các hoạt động hướng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm tạo cao điểm truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong toàn chuỗi cung ứng sản xuất và dịch vụ; tăng cường kiểm soát các nguy cơ, rủi ro và bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).
Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 31/5/2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Cụ thể nội dung các hoạt động gồm: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 theo Kế hoạch của UBND tỉnh và cùng với Lễ phát động Tháng công nhân và Lễ tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu lần thứ XV, tổ chức cuối tháng 4/2024.
Căn cứ điều kiện thực tế của ngành, địa phương, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở tổ chức Lễ phát động và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ đề, nội dung Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt về công tác ATVSLĐ. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội; tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ. Phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ; phong trào tự cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.
Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; quan tâm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; bảo đảm ATVSLĐ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Chủ động đề xuất phối hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ, BNN như xây dựng, điện, khai khoáng, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về ATVSLĐ; công tác khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng bằng hiện vật, đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn ca, an ninh an toàn thực phẩm cho người lao động; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong việc đánh giá nguy cơ rủi ro mất ATVSLĐ và phương án chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
Tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng hành động. Các cấp công đoàn tăng cường bồi dưỡng năng lực đối thoại, thương lượng tập thể về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới; thường xuyên đồng hành, hỗ trợ công đoàn cơ sở đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp.
Tổ chức đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn, “Xanh - Sạch - Đẹp”, thân thiện; nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc... Các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về ATVSLĐ cần gắn với huấn luyện thực hành, nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.